Lạm phát năm 2015 vẫn cao, cân nhắc điều chỉnh giá điện

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa dự báo năm 2015, mức lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 4%. Mức dự báo lạm phát năm sau vẫn được dự báo tăng so với mức lạm phát năm 2014, dự kiến khoảng 3% theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, lạm phát ở mức này vẫn có thể hạ lãi suất cho vay trong năm tới. Cũng theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ có tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

Lạm phát năm 2015 vẫn cao, cân nhắc điều chỉnh giá điện - 1


EVN đã xin tăng giá điện nhiều lần nhưng không được chấp thuận, ngay cả khi giá dầu chưa giảm mạnh. (Ảnh: Internet)

Trong điều kiện lạm phát năm tới dự báo như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì xây dựng và điều hành mục tiêu tăng trưởng kinh tế - cho rằng cần xem xét đến việc điều hành một số mặt hàng do nhà nước quản lý giá. Cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh,mức độ điều chỉnh các loại giá, như y tế, giáo dục, điện, xăng dầu… cho phù hợp để tránh tác động cộng hưởng trong cùng thời điểm đến nền kinh tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12.2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Theo nhiều nguồn tin, Bộ Công Thương hôm qua (18.2) đã có cuộc họp kín để bàn thảo về sự thảo điều chỉnh giá điện.

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chuyên gia sử dụng bảng cân đối liên ngành (I/O) ước tính tác động mức tăng 9,5% c (dự kiến) của giá điện sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, ảnh hưởng làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.

Theo phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nếu được phê duyệt, EVN có thể hạch toán toàn bộ số lỗ lũy kế 8.800 tỷ đồng (tính đến 31.12.2013) vào năm 2015. Một mặt, điều này sẽ giúp EVN và các công ty thành viên đủ điều kiện để vay nợ ngân hàng phát triển thêm các dự án. Mặt khác, kỳ vọng EVN có thể tăng giá điện cho các nhà máy sản xuất điện như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH).

Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) trên báo chí, ít có khả năng giá điện sẽ tăng trong tháng 12 vì giá dầu đã giảm mạnh. Trong khi đó, EVN cũng đã xin tăng giá điện nhiều lần mà không được chấp thuận, ngay cả khi giá dầu chưa giảm mạnh. Và việc xin tăng giá điện 9,5% là khó thuyết phục vì giá thành sản xuất điện đã và đang liên tục giảm kể từ mùa hè. Về ngắn hạn đề xuất tăng 5% trở xuống có lẽ sẽ dễ được chấp thuận hơn.

Tuy vậy HSC lại cho rằng đề xuất xin tăng 9,5% giá điện của EVN có thể có nhiều cơ hội được chấp thuận hơn vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2015, vì đây là thời điểm Vinacomin (Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam) dự tính tăng giá than bán cho các đơn vị sản xuất điện thêm khoản 10-12%. Theo đó EVN chắc chắn sẽ xin tăng giá điện.

Trong trường hợp đề xuất xin tăng giá điện lần này được chấp thuận thì giá mới sẽ thấp hơn khoảng 11,06% so với trần khung giá điện bình quân là 1.835 đồng/kWh giai đoạn 2013-2015, được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Có nghĩa EVN vẫn còn dư địa để giá điện tăng thêm khoảng 10% vào năm 2015.

Được biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực VII được xây dựng trước đây đã xác định, giới hạn về giá điện là 9 cent (Mỹ)/kWh nhưng giá điện hiện nay, quy đổi ra đồng USD đã là 7,3 cent/kWh. Do vậy, nếu cứ tăng giá thì giá điện của EVN sẽ sớm vượt quá giới hạn lên cao quá mức giá điện trung bình của khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN