Làm giàu ở nông thôn: Lãi 700 triệu/năm từ quýt đặc sản
Trồng 6ha cây có múi, trong đó chủ yếu là cây quýt đặc sản Quang Thuận, lão nông Lưu Chấn Thụ, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn mỗi năm lãi ròng hơn 700 triệu đồng.
Mô hình trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây quýt đặc sản Quang Thuận của ông Lưu Chấn Thụ có quy mô lớn nhất xã Quang Thuận. Tới thăm vườn nhà ông, chúng tôi choáng ngợp bởi các bãi đồi trồng cam quýt ngút ngàn, xanh tốt, đều tăm tắp, cây nào cũng sai trĩu quả.
Từ trồng thử tới làm thật lớn
Vào vườn cam quýt rộng lớn là thế, nhưng rất sạch cỏ, có hệ thống ống dẫn nước tới tận từng gốc. Ông Lưu Chấn Thụ chia sẻ: “Trước đây tôi từng có cơ hội đi thoát ly, nhưng vì thích tự do nên không có nghề nào gắn bó được lâu dài. Trải qua nhiều ngành nghề, cuối cùng tôi nhận thấy phát triển cây quýt đặc sản chính là giải pháp làm giàu phù hợp nhất trên quê hương mình. Và từ đó đến nay tôi chỉ gắn bó với nghề trồng quýt đặc sản”.
Ông Lưu Chấn Thụ rất phấn khởi với năng suất, chất lượng quýt đặc sản Quang Thuận vụ thu hoạch năm 2017. ảnh: Hồng Chiêm
Ông Lưu Chấn Thụ chia sẻ, vào những năm 2001, gia đình ông nhận vài chục ha đất của lâm trường Bạch Thông để trồng rừng. Nhưng nhận thấy hiệu quả trồng rừng không cao, năm 2005 ông xin chuyển một phần diện tích đất đồi để phát triển cây ăn quả, trong đó ông trọng tâm chú ý tới trồng cam, quýt. “Ban đầu tôi cũng chỉ trồng thử vài trăm cây, sau đó mỗi năm tôi trồng tăng thêm diện tích cam, quýt. Đến nay, gia đình tôi đã sở hữu hơn 6ha cây ăn quả, chủ yếu là giống cây có múi cam, quýt…” - ông Thụ cho hay.
Trong 6ha cây ăn quả đó, 4ha đã và đang cho thu hoạch. Bình quân sản lượng cam, quýt của gia đình ông Thụ mỗi năm 60 tấn, thu về từ 500 - 700 triệu đồng. Ông Thụ phấn chấn cho hay, dự kiến năm nay vườn cam quýt của gia đình còn có thể thu về tiền tỷ nếu thời tiết thuận lợi. Hiện tại, phần lớn thời gian ông Thụ ở trong khu lán trại để thuận tiện cho việc chăm sóc, trông nom vườn quýt. Ngày nào cũng vậy, ông lên đồi phát cỏ, tỉa cành sâu, gẫy, chăm chút từng cây, thấy cây nào có biểu hiện bệnh là ông xử lý luôn.
Ông Lưu Chấn Thụ đang kiểm tra tình hình sâu bệnh ở những gốc quýt đặc sản Quang Thuận.
Không chỉ trồng giống cam, quýt đặc sản của địa phương, mấy năm gần đây ông Thụ còn đưa giống cam Vinh, cam Xã Đoài, cam đường Canh vào trồng thử. Đến nay, các loại cây này đều đã ra quả bói, hứa hẹn cho năng suất cao. Hiện ông Thụ có 500 gốc cam Vinh, hơn 1.000 cây cam đường Canh…
Vườn trái cây tiêu chuẩn VietGAP
Với quy mô 6ha cây ăn quả, mỗi năm gia đình ông Thụ lãi khoảng 750 triệu đồng. Từ năm 2012-2016, ông Lưu Chấn Thụ luôn đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư, được UBND huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen. Năm 2017, ông được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |
Do trồng với số lượng lớn nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ông Thụ đặt lên hàng đầu. Năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn và Viện Rau quả Trung ương đã chọn vườn cây nhà ông để thí điểm mô hình trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó đến nay, toàn bộ diện tích đồi vườn đều thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Đó là lý do các sản phẩm cây ăn quả của gia đình tôi luôn được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và độ an toàn. Cứ mỗi mùa thu hoạch mới, gia đình không phải vất vả đưa từng quả ra chợ bán mà chủ yếu bán buôn cho các thương lái dưới các tỉnh miền xuôi…” - ông Thụ cho biết.
Nói về tương lai, ông Thụ chia sẻ, ông đang nung nấu sẽ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm cam, quýt để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo uy tín, sự tin cậy trên thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này ông cho rằng, ngoài nền tảng đã có là vùng hàng hóa tập trung thì cũng cần tính toán, liên kết các hộ trồng cây ăn quả với nhau, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mới duy trì được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm với các tỉnh bạn.
Những cây cam Vinh trong vườn đồi nhà ông Lưu Chấn Thụ đã cho ra mùa quả bói.
Ngoài trồng cây ăn quả, ông Thụ còn tham gia trồng rừng sản xuất, hiện ông phối hợp Lâm trường Bạch Thông nhận trồng, chăm sóc hơn chục ha rừng. Hàng năm, gia đình ông hỗ trợ tạo việc làm theo thời vụ cho lao động địa phương lúc nông nhàn từ 5-8 lao động (tiền công từ 150.000 -180.000 đồng/ngày). Ông Thụ còn giúp các hộ nghèo trong thôn được 500 cây ăn quả giống, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân trong chi hội, thôn bản trong các cuộc họp…
Ông Lưu Chấn Thụ là 1 trong 4 gương mặt của tỉnh Bắc Kạn được tham dự hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 9.2017. |