Làm giàu ở nông thôn: Cuộc “dạo chơi” tiền tỷ với tôm, cua hoang dã
Vừa làm vừa chơi, lão nông U80 Tư Bo vẫn có thể thu nửa tỷ đồng/năm bằng việc nuôi tôm, cua hoang dã. Đây là 1 trong những cách làm giàu độc đáo ở nông thôn...
Giữa trưa nắng như đổ lửa, lão nông Tư Bo (Nguyễn Văn Bo, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) dẫn chúng tôi đi thăm ao tôm, cua hoang dã của ông. Nhìn bộ dạng nhỏ thó, lom khom của lão nông đã gần 80 tuổi, ít ai ngờ mỗi ngày ông bỏ túi 2 triệu đồng từ tiền nuôi thủy sản như “dạo chơi”.
20 năm nuôi luôn có lãi
Lão nông Nguyễn Văn Bo và thau tôm, cua vừa bắt được. Ảnh: T.Đ
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) Huỳnh Văn Chiến, trường hợp của lão nông Nguyễn Văn Bo rất đáng trân trọng bởi tấm gương phấn đấu lao động và lao động giỏi mặc dù tuổi đã cao. |
Trong cái chòi lá giữa ao, những ánh nắng xuyên qua mái lá soi thẳng vào khuôn mặt dạn dày nắng sương với những “vết chém” thời gian ngang dọc hằn sâu của ông. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, cuộc đời ông gắn chặt với dòng sông Thị Vải bằng nghề đánh bắt thủy sản. Trong tâm tưởng của lão nông Tư Bo, sông Thị Vải ngày chưa bị các doanh nghiệp “bức tử” chở đầy cá tôm. Đây là dòng sông mang nguồn nước mặn, lợ với chế độ bán nhật triều và hệ động, thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng.
“Gần cả đời tui lặn ngụp với dòng sông này. Còn nhỏ thì tắm sông, lớn lên lấy vợ sinh con thì mò cua, bắt cá trên sông. Vợ chồng tui nuôi 8 đứa con lớn khôn cũng nhờ con sông này” - ông thổ lộ.
Rồi dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng bởi ngày đêm phải hứng chịu hàng chục ngàn khối nước thải chưa qua xử lý trực tiếp từ các nhà máy, khu công nghiệp đổ vào. Cá, tôm ngày càng cạn kiệt. Sông không thể cưu mang nổi gia đình lão nông Tư Bo và hàng ngàn hộ dân khác. “Lúc ấy thấy dòng sông đang chết, nghĩ đến miếng ăn cho gia đình tui rầu lắm. Bao năm như con rái cá trên sông giờ nghĩ biết làm gì để sống. Cuối cùng, tui thấy phải tự nuôi trồng thủy sản để nuôi sống gia đình” - ông Tư bùi ngùi.
Nhà có sẵn miếng đất ruộng cỡ 1ha cặp sông Thị Vải, ông Tư Bo vác len ra đào ao. Đào không xuể, ông thuê thêm người. Ngày qua ngày, cuối cùng ông cũng có cái ao nuôi ước mơ nuôi thủy sản.
Sống giữa thiên nhiên, yêu tôm, cá thiên nhiên, ông Tư Bo cũng chọn giải pháp nuôi thủy sản tự nhiên. Do lựa chọn nuôi thủy sản theo hướng hoang dã nên nguồn giống ông đều tận dụng từ những người còn bám sông Thị Vải đánh bắt cá tôm.
“Với con giống tôm, cua, tui lùng mua giống tự nhiên từ mấy người đóng đáy, đánh lưới, đặt lọp lờ… Giống các loại cá thì lấy từ tự nhiên sau những lần lấy nước vào ao. Nhờ không mua giống hoặc có thì khá rẻ nên chi phí cho con giống giảm đi rất nhiều” - lão nông Tư Bo chia sẻ.
Theo lão nông này, việc chọn nuôi nhiều loại thủy sản trong cùng một ao giúp ông có được nguồn thu đa dạng và tạo ra môi trường sống gần giống với tự nhiên cho chúng. “Tôm, cua sống ở tầng đáy, trong khi cá sống ở tầng nước mặt. Việc nuôi thêm cá giúp cho môi trường nước sạch hơn do chúng ăn hết thức ăn dư thừa của tôm, cua” - lão nông phân tích.
Vì chọn nuôi thủy sản tự nhiên, nên lão nông này hầu như không sử dụng bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào trong quá trình nuôi, cũng như bổ sung thức ăn cho tôm, cua rất hạn chế. “Môi trường sống gần như giống với tự nhiên nên tui không can thiệp các công cụ hỗ trợ khác như máy sục khí, mỗi ngày chỉ bổ sung khoảng 1kg thức ăn công nghiệp. Cá, tôm, cua đều tự kiếm ăn từ nguồn tự nhiên trong ao” - ông Bo cho biết.
Theo ông Tư Bo, không như nuôi tôm công nghiệp, người nuôi cứ phập phồng thắng thua như đánh bạc, nuôi tôm hoang dã “chắc gạo” không bao giờ lỗ. “Chắc gạo lắm, 20 năm nay tui chưa lỗ bao giờ” - lão nông Tư Bo gật gù.
Chứng minh cho điều mình nói, ông Tư Bo lấy ví dụ, với con cua - vật nuôi mang lại nguồn thu nhập chính cho ông, mỗi con cua giống có giá 2.000 đồng, sau khoảng 2 tháng nuôi, cua lớn rất nhanh. “Giá cua hiện nay khoảng 400.000 đồng/kg, ngoài tiền mua giống và ít thức ăn bổ sung, tui gần như không tốn thêm bất cứ chi phí nào” - lão nông cười ngất.
Sướng như… Tư Bo!
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch Huỳnh Văn Chiến ngồi bên thấy ông Tư Bo cười sảng khoái thì chen ngang câu chuyện: “Ở vùng này chưa ai sướng bằng Tư Bo. Làm như chơi mà ăn thiệt! Mỗi ngày ổng mất vài ba giờ với ao tôm, cua, thời gian còn lại… đi chơi”. Ông Chiến tóm tắt một ngày làm việc của lão nông này trên ao tôm, cua “như dạo chơi”: Sáng thu hoạch tôm, cua - trưa nhậu - chiều đặt lú.
Theo lão nông Tư Bo, mỗi ngày ông thu được khoảng 3-4kg cua, vài kg tôm rồi đem ra chợ hoặc bán cho các vựa thu mua hải sản. Với số lượng thủy sản này, ông thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ngày. “Tui đem tiền về đưa bà nhà (vợ ông Tư) rồi dành lại một ít đi nhậu với mấy ông bạn già trong xóm. Lâu nay, tui với bả sống khỏe nhờ cái ao cua” - lão nông cười khà khà.
Do được nuôi theo hướng hoang dã, sản phẩm sạch nên tôm, cua trong ao ông Tư Bo được thương lái rất mê và luôn trả giá cao hơn các sản phẩm cùng loại được nuôi theo hướng công nghiệp khoảng 30%. Điều thú vị, dù giá cao nhưng tôm, cua của ông Tư Bo luôn trong tình trạng “cháy” hàng. “Mỗi ngày tui chỉ có chục ký để bán nên không bao giờ phải lo đầu ra. Có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Thậm chí, khi thị trường hút hàng, thương lái còn tranh nhau lấy” - lão nông khoe.
Bù lại nguồn thủy sản hao hụt trong ao, hàng ngày ông Tư Bo bổ sung con giống từ nguồn của những người đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải. Cứ thế, ông thu hoạch tôm, cua quanh năm.
Ông Chiến thổ lộ, trong vùng không chỉ mình ông Tư Bo nuôi thủy sản theo hướng hoang dã. Nhưng trong khi ông Tư Bo sống khỏe với ao tôm, cua thì nhiều hộ nuôi theo hướng này đã “lên bờ xuống ruộng”. “Tui nghe nói, có người hỏi mua cái ao của ông Tư Bo giá chục tỷ mà ổng không bán” - ông Chiến thông tin.
Tuy nhiên, khi hỏi lão nông Tư Bo về “ao có điềm hên”, ông lắc đầu: “Làm gì có, tui nghĩ chủ yếu là do nguồn nước thôi. Tui cứ thấy nước sông Thị Vải sạch, trong là lấy vào ao. Cứ thay nước tạo môi trường nước sạch là tôm, cua phát triển tốt” - ông chia sẻ.
Lão nông Tư Bo chỉ vẽ thêm, mỗi ngày người nuôi nên cho tôm, cua bổ sung thêm một ít thức ăn công nghiệp để tạo thêm chất giúp chúng phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn.
Hàng chục hộ dân tại tỉnh Đồng Nai từ lâu sinh sống bằng nghề nuôi tôm trên núi đá. Hàng chục ha diện tích mặt nước...