Làm giàu nhờ loài chim trắng nhốt lồng, lãi vài trăm triệu/năm

Sự kiện: Vĩnh Phúc

Từng bươn chải với đủ nghề để kiếm sống nhưng cuối cùng anh Nguyễn Văn Hồ, xã Duy Phiên (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) lại lựa chọn cho mình một hướng đi mới là nuôi chim bồ câu Pháp ngay tại quê nhà để phát triển kinh tế và thuận tiện chăm sóc gia đình. Hiện, anh Hồ đang duy trì đàn bồ câu bố mẹ lên tới 600 đôi, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm những dãy chuồng nuôi bồ câu Pháp, anh Hồ chia sẻ về quãng thời gian trước đây của gia đình: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Hồ đã có ý thức tự lập. Khi xây dựng gia đình và ra ở riêng, hai vợ chồng cũng phải tự mình làm kinh tế.

Làm giàu nhờ loài chim trắng nhốt lồng, lãi vài trăm triệu/năm - 1

Gia đình anh Nguyễn Văn Hồ, xã Duy Phiên (Tam Dương) lãi hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp

'Trước đây, tôi đã từng chăn nuôi gà chọi, gà thịt, ngan, vịt đẻ nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Khi chuyển sang làm xây dựng, bôn ba khắp nơi nhưng công việc lúc nhiều, lúc ít và thu nhập bấp bênh. Qua sách, báo, ti vi, nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi bàn bạc với gia đình, xây dựng chuồng nuôi chim bồ câu...", anh Hồ thổ lộ.

Mấy năm đầu, vốn ít, kinh nghiệm chưa có, gia đình anh Hồ chỉ nuôi 50 - 100 đôi chim bồ câu bố mẹ. Khoảng 2 năm trở lại đây, khi kinh nghiệm và vốn đã đủ, anh quyết định mở rộng quy mô lên 600 đôi bồ câu bố mẹ. "Trung bình 1 tháng nhà tôi bán khoảng 400 đôi chim bồ câu thương phẩm và sinh sản. Với giá bán 130 nghìn đồng/đôi bồ câu thương phẩm và 200 - 250 nghìn đồng/đôi chim sinh sản, nuôi bồ câu Pháp cũng giúp gia đình tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm...", anh Hồ cho hay.

Về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp, anh Hồ chia sẻ, so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác thì nuôi chim bồ câu Pháp tốn ít diện tích, sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, ít bệnh tật và thị trường tiêu thụ lớn. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần chọn con giống, xây dựng chuồng nuôi, hệ thống máng ăn và lựa chọn thức ăn phù hợp.

Tuy nhiên, về kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp, để bồ câu sinh trưởng, phát triển tốt, người nuôi cần chú ý phòng các loại bệnh như: Hen, đậu gà, newcaton, tụ huyết trùng…Chuồng nuôi bồ câu cần thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ, thức ăn và nước uống đều đặn.

Đặc biệt, theo anh Hồ, người nuôi bồ câu phải thường xuyên vệ sinh, quét dọn sạch sẽ chuồng nuôi để tránh sự tích tụ phân, chất thải gây các loại mầm bệnh như ký sinh trùng. Để trứng đạt tỷ lệ nở cao, người nuôi nên ấp trứng chim bằng máy và cho chim mẹ ấp trứng giả, sau khi chim con nở mới đưa vào cho bố mẹ nuôi.

Nhận thấy, nhu cầu tiêu dùng bồ câu thương phẩm trên thị trường cao, năm 2019, anh Hồ dự định tăng số lượng chim bố mẹ thêm 400 - 500 đôi để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, anh luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh trong chăn nuôi cho các hộ gia đình đến mua chim bồ câu sinh sản để cùng nhau phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Nuôi chim đẻ sòn sòn, bán chim non làm món ăn, thu 10 triệu/tháng

Đàn chim 170 cặp đã mang đến cho ông Sỹ thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Tính ([Tên nguồn])
Vĩnh Phúc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN