Làm giàu khác người: Chuyện về “ông trùm" cây "tỷ đô” ở xứ Lạng
Là người duy nhất, tiên phong tái khẳng định hiệu quả và tính phù hợp của cây Mắc ca-cây tỷ đô đối với khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh Lạng Sơn, ông Lục Văn Bằng (1962) quê huyện Tràng Định đã phải mất hơn 6 năm nghiên cứu, tìm tòi, khảo sát thực tế và tiến hành trồng thử nghiệm đến nay đã thành công. Rừng Mắc ca ông Bằng trồng đã cho thu hoạch trĩu quả.
Tính chuyện về già…bằng cây tỷ đô
Tiếp chúng tôi tại Công ty mới được thành lập vào tháng 5.2018, ông Bằng luôn tất bật với những cuộc điện thoại đặt sản phẩm hạt mắc ca, sa chi, mua cây giống, phân bón…
Dẫn chúng tôi thăm khu vườn ươm hơn 2 vạn cây mắc ca đang vươn chồi xanh tốt, ông kể về cơ duyên gắn với loại cây đặc biệt này. “Tình cờ mấy ông bạn chơi với nhau ngồi uống trà tâm sự, tự dưng bạn hỏi tôi ông cứ làm mãi cái ngành xây dựng đó à? Phải tính dần cho tuổi già đi…”.
Chỉ từ câu nói bâng quơ của người bạn khiến ông bắt đầu suy nghĩ về tương lai. “Lúc đó già rồi đâu còn sức mà đi làm công trình, phải tìm một hướng đi khác. Phát triển một loại cây trồng nào đó có hiệu quả kinh tế cao, có tính lâu dài, ít sâu bệnh…", ông Bằng nhớ lại.
Vườn ươm cây giống hơn 2 vạn cây mắc ca phát triển xanh tốt được ông Bằng thường xuyên kiểm tra sâu bệnh và chăm sóc.
Nói là làm, người đàn ông hơn 50 tuổi bắt đầu chuỗi ngày nghiên cứu, tìm hiểu về tất cả các loại cây đặc trưng của địa phương, sau đó xem trên cả nước xem cây nào có thể đáp ứng được những tiêu chí ông đã vạch ra. Và cuối cùng sau 3 năm nghiên cứu, ông quyết định gắn bó tuổi già của mình với cây mắc ca vì những ưu điểm vượt trội và tính phù hợp của nó.
Ông Bằng nhớ lại: “Tôi đã đi hầu hết tất cả các vườn mắc ca ở miền Bắc được và những vườn Nhà nước trồng thử nghiệm (Dự án trồng khảo nghiệm năm 2003) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như huyện:Tràng Định, Bình Gia, Chi Lăng… Thời điểm đó cây mắc ca tại các vườn đều đã trên 8-10 tuổi, còi cọc vì không được chăm sóc nhưng cây đều cho quả mỗi năm”.
Công nhân đang tất bật đóng bầu ươm cây giống tại vườn cây.
Điều đặc biệt nữa đó là qua quá trình tìm hiểu từ sách báo, tài liệu nước ngoài (Úc).., được sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành về cây mắc ca, ông Bằng nắm bắt được điều kiện thời tiết, khí hậu, biên độ nhiệt phù hợp để phát triển loại cây này.
“Mắc ca là loại cây không chịu được gió bão, úng ngập thích hợp trồng ở vùng có biên độ nhiệt 16-32 độ C, nhiệt độ vào các tháng 11, 12 phải dưới 22 độ C thì sang tháng 2 cây mới có thể ra hoa. Vì vậy không phải vùng nào cũng trồng được loại cây đặc biệt này. Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho sự phát triển của cây mắc ca đặc biệt ở các huyện Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia…”
Sau 3 năm tìm tòi và tâm huyết, tháng 11.2014 ông quyết định mua lại hơn 300 cây giống mắc ca bố mẹ tại các vườn được nhà nước trồng thử nghiệm trước đó (phải tách tỉa vì trồng quá dày) với giá 8 triệu đồng/cây. “Trồng được 2 năm, hơn 300 cây mắc ca phát triển rất tốt, có cây cao đến 6m, chứng tỏ mình cũng khá mát tay trong chăm cây tỷ đô này”, ông Bằng cười đùa.
Mắc ca sau khi được ông Bằng trồng tại vườn phát triển rất tốt, sau 3 năm là bắt đầu cho bói quả cho thấy tính phù hợp của loại cây này đối với khí hậu Lạng Sơn.
Năm 2015, ông bắt đầu trồng những cây con đầu tiên do chính ông ghép tạo ra. Sau 3 năm trồng 7ha vườn mắc ca của ông bắt đầu cho thu hoạch hơn 3 tấn quả sai trĩu cành. Trước đó nhiều ngành chức năng đã có những đánh giá cho rằng cây mắc ca không phù hợp trồng ở Lạng Sơn nhưng chính những thành quả bước đầu ông Bằng đạt được đã tái khẳng định tính phù hợp của loại cây này đối với khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh biên giới như Lạng Sơn.
Mô hình trồng mắc ca liên kết theo chuỗi khép kín
“Với hơn 30 giống mắc ca, phải mất 6-7 năm thử nghiệm tôi mới chọn ra được 8 giống mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu Lạng Sơn”, ông Bằng nói.
Nhận thấy tính phù hợp và hiệu quả, công ty của ông đã liên kết cùng nông dân mở rộng diện tích mắc ca. Đến nay vùng nguyên liệu mắc ca, sa chi của công ty trên toàn tỉnh đạt khoảng 140 ha. Riêng cây mắc ca có diện tích 100 ha, trong đó 40 ha đang cho quả, 60 ha đang được chăm sóc. Riêng công ty hiện nay đã trồng hơn 7ha bắt đầu cho thu hoạch. Còn lại 40 ha sachi đã cho thu hoạch.
Diện tích trồng cây mắc ca được mở rộng, sản lượng bắt đầu ổn định đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng một chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, tháng 5.2018, Công ty của ông Bằng được thành lập. Hiện công ty có mặt bằng trên 3.000 m2, trong đó hơn 1.000m2 xưởng chế biến quy mô xưởng 150 tấn hạt thô/năm, 2.000 m2 vườn ươm cây giống. Bên cạnh cung cấp cây giống, công ty còn trực tiếp cung cấp cho nông dân toàn bộ quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc 2 cây trồng này; chia sẻ kinh nghiệm khi nông dân có thắc mắc trong quá trình trồng, chăm sóc.
Quả mắc ca được công ty ông Bằng thu mua, sau đó chế biến, đóng gói với bao bì nhãn mác rõ ràng.
Một kg mắc ca nhân đã qua chế biến có giá 1 triệu/kg.
“Mất gần 3 năm mới có thể có một cây giống mắc ca cung cấp ra thị trường với giá 70 nghìn/cây. Hạt ươm nảy mầm chăm sóc trong khoảng 2 năm mới bắt đầu ghép cành. Mất thêm 8 tháng để cây phát triển và mọc chồi khoảng 30cm mới đảm bảo cây giống tốt, khỏe và tỉ lệ sống cao”, ông Bằng lý giải.
Khác với nhiều loại nông sản, người nông dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhưng riêng các sản phẩm mắc ca sấy nứt, mắc ca nhân, sa chi nguyên vị ngay khi có mặt trên thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận qua các đối tác từ các tỉnh, TP lớn như: Lạng Sơn, TP HCM, Đà Nẵng,..
Công nhân tại xưởng chế biến đang tách vỏ hạt mắc ca.
Theo ông Bằng, nhu cầu thị trường quá lớn trong khi vùng sản xuất nguyên liệu sản lượng còn thấp, hiện công ty chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước. Giá thu mua mắc ca với nông dân luôn ổn định từ 70.000 – 80.000 đồng/kg hạt tươi.
“Hạt mắc ca có công dụng vô cùng tuyệt vời nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Cầu tăng nhanh nhưng cung chưa thể đáp ứng được, vì không phải vùng nào cũng trồng được loại cây này. Sau 30 năm nữa nếu khoa học phát triển vượt bậc, vùng nào cũng có thể trồng được loại cây này thì lúc đó mới phải lo về đầu ra sản phẩm”, ông nhận định.
Sản phẩm hạt mắc ca của ông Bằng được khách hàng đón nhận và có nhiều đơn đặt hàng với các đối tác lớn tại TP.HCM, Đà Nẵng..
Nghiên cứu cung cấp giống đầu dòng tốt cho người dân, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, chế biến hạt, đóng gói để đưa đến tay người tiêu dùng công ty ông đang xây dựng chuỗi liên kết nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp.
Ông Bằng cho hay, “Cây giống tốt, quả đạt chất lượng, sản phẩm thu mua đầu vào của công ty đảm bảo, từ đó sản phẩm hạt mác ca đưa ra thị trường luôn đạt chất lượng cao. Hiện tại hạt đã bóc vỏ, có thể sử dụng luôn đang được bán với giá 1 triệu/kg; 320.000 đồng/kg hạt đã sấy chín nhưng chưa bóc vỏ”.
Nói về dự định sắp tới, ông hào hứng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.