Làm chanh muối - thu bộn tiền lại tạo nhiều việc làm
Trong tiết trời oi bức, chúng tôi thấy lòng mát dịu khi dừng chân thưởng thức những ly nước đá chanh muối thơm ngon ở một quán ven đường thuộc ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Chanh muối hút hàng
Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, chị Hà Mỹ Xuyên, chủ quán giới thiệu: “Xã Mỹ Thạnh có mấy mươi “lò” chuyên sản xuất chanh muối với sản lượng lớn, thu hút hàng trăm lao động có việc làm quanh năm. Tham gia các công đoạn của nghề làm chanh muối, mỗi công nhân ở đây có thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Mùa này nắng nóng, chanh muối “hút hàng”, phần lớn các “lò” làm mặt hàng này không đủ bán cho bạn hàng các nơi…”.
Phơi chanh trên những nền sân sạch chuẩn bị cho các bước làm chanh muối. Ảnh: P.H
Trước đây, nói đến Mỹ Lòng (nay là xã Mỹ Thạnh), người ta nói đến loại đặc sản có từ trăm năm đó là bánh tráng các loại, nay phải kể thêm đến đặc sản chanh muối. |
Quả nhiên, như lời của chị Hà Thị Xuyên, trên tỉnh lộ từ TP.Bến Tre xuôi về huyện Giồng Trôm, chúng tôi đã bắt gặp hàng chục hộ dân kinh doanh mặt hàng chanh muối trái, trái tắc xay nhuyễn ướp muối đường với quy mô khá lớn.
Đây có thể nói là sản phẩm truyền thống của người dân xã Mỹ Thạnh. Nhiều người có lý khi cho rằng, trước đây, nói đến Mỹ Lòng (nay là xã Mỹ Thạnh), người ta nói đến loại đặc sản có từ trăm năm đó là bánh tráng các loại, nay phải kể thêm đến đặc sản chanh muối.
Góp phần tiêu thụ chanh cho nông dân
Chị Nguyễn Phương Lan ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm - chủ vựa kinh doanh mặt hàng chanh muối đã hơn 10 năm cho biết: “Từ việc làm chanh muối mà rất nhiều người có công ăn việc làm. Hàng chục hộ dân ven đường từ TP.Bến Tre về qua xã Mỹ Thạnh đã nhận sản phẩm chanh muối từ các “lò” chế biến, sau đó bán lại cho du khách. Trước đây mỗi ngày tôi bán được khoảng 30 đến 40 keo (hũ), nay con số đó đã lên đến 60-70 keo, lãi 250.000-300.000 đồng/ngày…”.
Nhiều hộ dân làm nghề chế biến, kinh doanh chanh muối cho biết, ban đầu một số hộ tự chế biến chanh muối bằng phương pháp thủ công vừa mất thời gian, mà giá thành cao. Nhưng sau một thời gian, bà con chuyển sang sản xuất chanh, tắc (quất) muối bằng máy móc, vừa rút ngắn thời gian, vừa đảm bảo độ đồng đều về chất lượng, giá thành thấp nên được thương lái ưa chuộng và đặt hàng ngày càng nhiều. Giá bán sỉ (đổ mối buôn) chanh muối hiện nay ở ngay xã Mỹ Thành là từ 20.000-30.000 đồng/keo tùy thuộc vào khối lượng sản phẩm.
Nguyên liệu chính làm chanh muối chính là loại chanh giấy trồng rất nhiều ở các nhà vườn. Chanh giấy có ưu điểm trái to, nặng ký, mùi thơm, màu sắc khi ra thành phẩm đẹp mắt, khả năng bảo quản lâu dài… Khó khăn nhất vẫn là khâu chọn chanh nguyên liệu đúng chuẩn. Kế đến phải rửa thật sạch chanh, lau khô, ướp với muối rồi nấu nước muối bỏ vào đợi trong vòng khoảng 45 ngày, chanh chín mới bắt đầu đem bán được.
Một số hộ kinh doanh sản xuất chanh muối lâu năm ở xã Mỹ Thạnh cho biết, nên chọn những quả chanh có da mỏng, bóng láng và có màu vàng nhạt, không chọn những quả chanh non, chín héo, da nhăn nheo vì muối sẽ không ngon. Khi mua chanh về, cần chà sát mạnh với muối để giập hết phần the đến khi đưa đầu lưỡi vào sẽ có cảm giác tê tê hoặc dùng một miếng giấy ráp thô chà cho hết phần the, sau đó rửa sạch để ráo nước.
Đun một nồi nước sôi, đổ chanh vào rồi lại vớt ra, rửa thật sạch bằng nước lạnh rồi đổ chanh ra ngoài phơi nắng cho đến khi vỏ chanh teo tóp lại chuyển sang màu vàng nâu nhạt thì đem vào để nguội rồi xếp vào lọ thủy tinh…
Không chỉ tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động, nghề chanh muối ở Mỹ Thạnh còn góp phần tiêu thụ chanh giấy nguyên liệu của các nhà vườn trong vùng.