Làm cả năm không bằng bán muối dăm ngày Tết

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Ngày bình thường chỉ 5.000 đồng một kg muối nhưng mùng Một Tết, mỗi gói muối nhỏ giá 10.000 - 20.000 đồng. Người bán mau mắn đắt hàng lãi bạc triệu đêm giao thừa.

Ở Hà Nội, người ta thường bán muối từ đêm giao thừa đến hết tháng Giêng. Đầu năm đi lễ chùa, hoặc khi nghe tiếng rao "Ai muối đê, ai muối nào..." vang lên, người Hà Nội lại hồ hởi mở cửa để mua một túi muối đầu năm. 

Không chỉ đi bán muối dạo, nhiều người còn mang thúng muối bán ngay trước cổng chùa. Mỗi túi muối, diêm nhỏ xíu bán giá 10.000- 20.000 đồng, đắt hơn rất nhiều so với ngày thường song chẳng hề ai phàn nàn, kêu ca, ai nấy đều vui vẻ mua.

Theo quan niệm của người xưa, muối mặn có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó, tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, sự mặn mà trong các quan hệ làm ăn.

Ngoài ra, người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.

Khi mua muối bao giờ cũng đong một bát đầy có ngọn vì theo quan niệm gạt miệng sẽ mất lộc, mất mặn mà.

Làm cả năm không bằng bán muối dăm ngày Tết - 1

Chị Tuyết đã có 7 năm đi bán muối sáng mùng Một Tết. Ảnh: Diệu Thùy

Chị Tuyết ở Đan Phượng đã có 7 năm đi bán muối vào sáng mùng Một tết. Khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì 4h sáng chị chuẩn bị đồ đạc để đi bán muối. Hành trang của chị là một túi muối vài chục kg. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị len lỏi vào từng ngõ phố với tiếng rao ấm nồng “Ai muối đây, ai muối nào”.

Để đi bán muối vào sáng mùng Một, chị Tuyết cho biết, chị phải dậy sớm hơn thường ngày. Khoảng 5h sáng ngày mùng Một tết có đến hàng chục người đi bán muối như chị xếp hàng đợi ở một đầu mối bán muối ở cầu Diễn. Lấy muối xong mọi người lại tỏa ra khắp nội thành Hà Nội.

Ngày bình thường chị bán 5.000 đồng một kg muối nhưng mùng Một Tết, mỗi bát muối giá 20.000 đồng.

Chị Tuyết tâm sự: "Có năm tôi bán nhanh thì chỉ đi đến trưa là hết nhưng năm ngoái phải đến 3 giờ chiều mới bán hết hàng. Giờ cả sinh viên cũng đi bán muối đầu năm, người đi bán muối nhiều nên có khi chỉ lấy 20kg muối thôi nhưng rong ruổi khắp nơi, bán đến chiều tối mới về đến nhà".

Khác với chị Tuyết, Chị Hương ở Lĩnh Nam cho biết, hơn 5 năm qua chị làm cái nghề bán muối vào đêm 30 ở cạnh công viên hồ Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội). Đáng lẽ ra đêm 30 người ta quây quần bên gia đình, đón khoảnh khắc giao thừa nhưng vì mưu sinh cuộc sống mà chị phải nhờ mẹ chồng làm hộ mâm cúng đêm 30 để đi bán nước, bán muối ở công viên.

Người phụ nữ này tâm sự, cuộc sống vốn khó khăn, nguồn thu nhập chính của gia đình lại chủ yếu dựa vào chị. Ngày bình thường chị làm nghề đồng nát, tối đến lại làm gánh nước ở công viên để kiếm thêm.

Nhiều năm bán nước ở khu vực này nên chị biết năm nào cũng vậy, đêm 30 Tết mọi người đổ ra công viên ngắm pháo hoa, cả công viên chật kín người. Khách hàng mua muối của chị thường là thanh niên.Sau khi xem bắn pháo hoa xong, họ thường mua túi gạo, túi muối, diêm hay cành lộc để lấy may đầu năm. Chính vì dễ đắt hàng nên đêm 30 chị vẫn tranh thủ để kiếm ít tiền

Theo chị Hương, có nhiều người bán muối nhưng mỗi người chuẩn bị khác nhau. Người thì đong muối vào túi bóng, người thì cho vào túi vải đỏ xinh xắn, còn chị thì cho vào phong bao lì xì.

Mỗi chiếc lì xì chị chỉ cho vào một ít muối rồi bán với giá 10.000 đồng. Còn những người chuẩn bị túi đựng đẹp hơn, cầu kỳ hơn thì giá bán còn lên tới 20.000 đồng/túi. Giá đắt là thế nhưng ai cũng hồ hởi, phấn khởi mua túi muối lấy “hên”.

Do muối là gia vị phổ biến, dễ dàng mua muối ở bất kỳ đâu nên việc chuẩn bị muối để đi bán đêm 30 cũng không có gì quá khó khăn. Nhớ lại đêm 30 Tết năm ngoái, Chị Hương cho biết, năm ngoái chị mua 5kg muối đong vào gần 100 bao lì xì, chả cần chèo kéo khách chị vẫn bán hết sạch. Chỉ trong một buổi tối chị kiếm được hơn một triệu đồng, số tiền này bằng số tiền nửa tháng trời chị bán trà đá đêm ở công viên. Cứ thế chị bán đến khi vắng khách, lúc trở về nhà cũng gần 2h sáng. Vui vẻ với số tiền kiếm được, bao mệt mỏi, cái lạnh tê tái da thịt cũng tan biến hết.

“Đêm 30 bán cái gì cũng thích. Chỉ một nhúm muối thế giá 10 nghìn đồng nhưng khách dễ tính, chả ai phàn nàn cò kè thêm bớt câu nào. Thậm chí tiền thừa họ cũng không lấy mà mừng tuổi mình luôn”, chị Hương vui vẻ chia sẻ.

Chị Hương cho biết, Tết năm nay sẽ là cái tết thứ 6 chị đi bán muối.

Bà Doãn Hồ Liên (60 tuổi) ở Tạ quang Bửu cho biết, bà không biết tập tục mua muối đầu năm có từ bao giờ nhưng ngay từ khi còn nhỏ bà đã thấy mọi người thường mua muối vào sáng mùng Một Tết. Và cho đến khi lấy chồng, mấy chục năm qua bà vẫn giữ truyền thống mua muối đầu năm. Hơn nữa còn nhắc nhở con cái giữ gìn thói quen này. 

"Đầu năm mua muối", hạt muối đầu năm trên tay người mua hay người bán đều có chung mong ước một năm mới no đủ, ấm áp, hạnh phúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet.vn)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN