Làm ăn lạ: Nuôi cá chuối hoa trong lồng, bán giá cao, thu lãi khủng
Mới bước sang tuổi 34, nhưng từ nhiều năm nay anh Dương Việt Anh đã nổi tiếng là người đầu tiên triển khai thành công mô hình nuôi cá chuối hoa trong lồng ở xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tính riêng trong vụ cá này, anh ước tính thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.
Trước đây, anh Việt Anh đã có nhiều vụ cá thả nuôi quảng canh theo phương pháp truyền thống. Nhận thấy cách làm này không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, anh Việt Anh đã tìm tòi, nghiên cứu mô hình nuôi cá trong lồng, tham gia một số khóa huấn luyện của các chuyên gia đầu ngành trong nước cũng như nước ngoài về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá lồng hiệu quả.
Anh Dương Việt Anh (người ngồi) cùng công nhân phân loại và kiểm tra tình trạng của cá nuôi theo định kỳ. Ảnh: Hoàng Huyền
Là người đầu tiên áp dụng mô hình thả nuôi cá chuối hoa tại địa phương, Việt Anh cho biết: "Trước đây người ta thường nuôi cá lồng ở những hồ lớn, hồ thủy điện chứ chưa bao giờ có mô hình nuôi lồng trong hồ nhỏ và vừa như thế này. Vì tập tính của con cá chuối hoa là săn mồi, khi thả ra môi trường tự nhiên nó sẽ ăn những con cá khác nên tôi đã nghĩ ra cách đưa vào lồng nuôi để kiểm soát được về đầu con, dịch bệnh, số lượng, chất lượng, đảm bảo đàn cá nuôi của mình. Đặc biệt, nếu nuôi thả bằng ao đất thông thường thì hằng năm sẽ phải tốn kém nhiều chi phí tát, thu dọn hồ, nhân công và rất nhiều chi phí phát sinh khác so với nuôi trong lồng".
Với phương pháp này, có thể giúp cho người nuôi cá tăng sản lượng lên nhiều lần trên cùng một diện tích hồ. "Những năm trước, khi nuôi cá theo phương pháp truyền thống, mình chỉ thu được 30 tấn cá như chép, trắm, cá nheo..., nhưng bây giờ khi nuôi cá lồng, ngoài việc vẫn thu được 30 tấn cá ngoài, lại có thêm 50 tấn cá trong lồng. Mặt khác, thức ăn thừa và phân thải của những con cá trong lồng sẽ là nguồn thức ăn của những con cá nuôi ngoài. Như vậy, vừa có thể tận dụng được thức ăn mà môi trường nước cũng được cải thiện hơn rất nhiều" - anh Việt Anh chia sẻ thêm.
Hiện tại, trang trại nuôi cá của Dương Việt Anh có 4 lao động. Hàng ngày, những công nhân này được phân công phụ trách chăm sóc đàn cá, vệ sinh khu hồ nuôi có tổng diện tích 3,5ha mặt nước, với 15 lồng thả nuôi cá chuối hoa. Mỗi ô lồng được anh thiết kế có chiều rộng 6m, dài 9m và sâu 3m, lớn hơn gần gấp đôi so với các lồng cá nuôi thông thường.
Công nhân trang trại thường xuyên phải kiểm tra tình trạng cá và vệ sinh hồ nuôi. Ảnh: Hoàng Huyền
Anh Việt Anh giải thích: "Làm như vậy, thứ nhất là có thể nuôi được với số lượng lớn hơn. Thứ hai, khi thiết kế lồng rộng sẽ tránh được tình trạng cá cắn nhau khi dồn đàn và khi mùa đông đến, nhiệt độ giảm thấp, con cá sẽ xuống được sâu hơn để tránh rét".
Mỗi ngày, đàn cá hơn 20 tấn tại trang trại tiêu thụ hết trung bình 1,6 tạ cám. Để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho đàn cá, anh chọn loại cám công nghiệp có tỷ lệ đạm cao trên 40% và một loại thức ăn đặc biệt nữa là tỏi. Tỏi từ lâu được biết đến là một loại kháng sinh tự nhiên, đã được áp dụng rất nhiều trong chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải cứ thích là cho ăn tỏi mà phải trộn tỏi đúng liều lượng, quy trình theo công thức của các chuyên gia trong nước và nước ngoài khuyến cáo.
Những ô lồng hiện đại có thể nuôi cá với mật độ lớn.
Nhờ cách phối trộn thức ăn đặc biệt này, từ khi nuôi cá đến giờ, anh Việt Anh không phải sử dụng bất cứ một loại thuốc kháng sinh nào cho đàn cá của mình.
Ngoài tỏi tươi, đều đặn mỗi tuần một lần, trang trại sẽ sử dụng vôi bột hoặc thuốc tím để làm sạch nước và phòng chống bệnh nấm ở cá.
Anh Việt Anh kể, thời gian mới nuôi, vì còn thiếu kinh nghiệm về phòng và chữa bệnh cũng như chưa hiểu rõ về tập tính hung dữ của loại cá chuối hoa nên tỷ lệ hao hụt của đàn cá đã lên đến 40%, chủ yếu do những con cá lớn hơn tấn công và ăn thịt những con cá bé. Rút kinh nghiệm, đàn cá đang được nuôi tại trang trại luôn giữ được tỷ lệ sống là 85%.
Anh Dương Việt Anh khoe "chiến lợi phẩm" là con cá nheo có trọng lượng khủng câu được ngay tại hồ nuôi của mình. Ảnh: NVCC
Khi được hỏi về kinh nghiệm chống rét cho cá trong mùa đông, anh Việt Anh chia sẻ: "Muốn giữ được nguồn cá sống tốt qua mùa đông cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh rét. Mỗi năm, khi tới đợt rét đậm như hiện nay, mình thường dâng mực nước lên cao hơn bình thường khoảng 1,5m để cá có đủ môi trường trú ngụ. Khu hồ nuôi của trang trại được thiết kế hệ thống chắn và thoát nước rất cẩn thận. Sau khi kiểm tra và đảm bảo nước ở bên ngoài không có ô nhiễm, mình mới mở chắn để lấy nước vào hồ".
Ở vụ nuôi hiện tại, trong lòng hồ của anh Dương Việt Anh chứa khoảng 65.000 con cá chuối hoa. Theo ước tính, với mức giá 68.000 – 78.000 đồng/kg như hiện tại, vụ cá này sẽ mang lại cho anh mức lãi gần 200 triệu đồng/10.000 con. Như vậy, sau khi trừ các chi phí, anh thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng/vụ cá.
Cá chuối hoa do anh Việt Anh thả nuôi trong lồng có tỉ lệ sống cao, hiện giá bán đang dao động từ 68 - 78 ngàn đồng/kg. Ảnh: Hoàng Huyền
Cũng theo anh Việt Anh, cá được nuôi tại trang trại sau khi thu hoạch chủ yếu cung cấp cho các thương lái trong nước và công ty chế biến thực phẩm ở Bắc Giang.
Chia sẻ về những dự định sắp tới của mình, anh Việt Anh cho hay: "Trang trại đang xây dựng và sắp đưa vào sử dụng một khu nuôi giống cá chuối hoa kỹ thuật cao có quy mô 500.000 con mỗi đợt ươm. Như vậy vừa có thể phục vụ cho việc mở rộng diện tích nuôi của trang trại, ngoài ra có thể cung cấp con giống chất lượng cho các hộ dân khác có nhu cầu nuôi thả loại cá có giá trị kinh tế cao này".
Hiện tại, trang trại của anh Dương Việt Anh là mô hình nuôi cá chuối hoa trong lồng trên hồ chứa đầu tiên và lớn nhất tại huyện Vĩnh Tường nói riêng và cả tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Đây cũng là mô hình nuôi trồng thủy sản điển hình tại địa phương được ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích nhân rộng tới bà con nông dân ở các vùng lân cận.