Lại tranh cãi về thuế nhập khẩu xăng dầu

Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (số lượng nhập khẩu bình quân của các doanh nghiệp), doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng điều đó không có lợi cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, chỉ có lợi cho cơ quan quản lý.

Cuộc tranh luận về tính pháp lý của thuế nhập khẩu xăng dầu chưa dừng lại khi mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng cách tính thuế hiện nay đang gây ra những bất lợi cho người tiêu dùng (NTD).

Người tiêu dùng phải mua xăng dầu giá cao

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, nói Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu không quy định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo quý để hình thành giá cơ sở. Việc Bộ Tài chính lấy mức thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền áp cho doanh nghiệp (DN) vừa không đúng luật vừa không đúng thực tế. Theo đó khi áp dụng cách tính này, mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền dùng để tính giá cơ sở với xăng là 18,35%. Trong khi đó, DN phải nhập xăng từ ASEAN với thuế suất 20% và Hàn Quốc là 10%. Như vậy, mức thuế dùng tính giá cơ sở thấp hơn gần 1,7% mức thuế DN phải chịu khi nhập từ ASEAN và cao hơn 8,35% nếu nhập từ Hàn Quốc. Do đó vẫn xảy ra sự chênh lệch thuế nhập khẩu và cũng không đúng với quy định trong Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Ông Ruệ cũng cho rằng áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ không có lợi cho NTD, cũng không có lợi cho DN mà chỉ có lợi cho cơ quan quản lý. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn lấy số liệu quý trước để tính bình quân gia quyền cho quý sau là chưa hợp lý. “Xăng dầu biến động liên tục, nếu lấy số liệu quý trước tính cho quý sau là không đúng thực tế, không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và giá trong nước”. Minh chứng, trong kỳ điều hành đầu tiên của quý II-2016 áp dụng từ ngày 5-4, dù giá dầu diesel thế giới giảm nhưng giá trong nước lại không giảm theo.

Lại tranh cãi về thuế nhập khẩu xăng dầu - 1

Áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ không có lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: HTD

Sai quy trình, trái quy định

Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), cũng cho rằng việc áp dụng cách tính thuế lấy số liệu của quý trước để phản ánh trong giá quý sau sẽ gây ra độ trễ cho giá bán trong nước.

Theo ông Thắng, Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu theo bình quân gia quyền đã không tuân thủ theo Luật Thuế xuất nhập khẩu. Theo quy định của luật thuế này, thuế suất áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu bao gồm ba loại: thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt. Nay Bộ Tài chính đưa thêm mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở nghĩa là có đến bốn loại thuế nhập khẩu đang được áp dụng. “Theo quy định, chỉ có Quốc hội mới là cơ quan quyết định đưa ra các loại thuế. Việc Bộ Tài chính đã tự ý thêm thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là sai quy định và trái quy trình” - ông Thắng nêu quan điểm.

Trong khi đó, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng mức thuế bình quân gia quyền là một phương pháp tính thuế chứ không phải một loại thuế. Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính đưa ra là hoàn toàn phù hợp. Bởi khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, đã xuất hiện tình trạng áp dụng các mức thuế xăng dầu không giống nhau. Vì vậy, Bộ Tài chính áp dụng mức thuế bình quân gia quyền của ba loại thuế trên là hoàn toàn đúng đắn về lý thuyết khi tính giá cơ sở.

Tuy nhiên, ông Long cũng đánh giá cách tính thuế bình quân gia quyền sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN. Điều này dẫn đến tình trạng các DN đầu mối sẽ hướng đến nhập khẩu từ thị trường có mức thuế thấp, trong khi giá bán ra vẫn theo mức thuế nhập khẩu chung 18,35%, Nhà nước sẽ thất thu thuế mà NTD chịu thiệt.

Nên bỏ thuế bình quân gia quyền?

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định việc áp dụng thuế nhập khẩu bình quân gia quyền vẫn đảm bảo theo quy định Nghị định 83. Bộ Tài chính lấy mức thuế theo quý cũng tương tự việc lấy theo bất kỳ loại thuế nhập khẩu nào.

Theo bà Mai, nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế thông thường ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi NTD. Nếu áp dụng mức thuế ưu đãi và ưu đãi đặc biệt thì sẽ có mức thuế thấp, NTD hưởng lợi nhưng nó lại khiến các DN cùng quay sang nhập khẩu từ một thị trường có mức thuế thấp dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cung cũng như ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, bà Mai cũng thừa nhận áp dụng thuế nhập khẩu bình quân gia quyền chỉ là phương án hiện tại. Về lâu dài, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các phương án khác khi có những biến động về thị trường.

Ông Phan Thế Ruệ cho rằng Bộ Tài chính cần bỏ thuế bình quân gia quyền và thực hiện mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10%; đối với mặt hàng dầu là 0%. Đồng thời, lãnh đạo VINPA cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Quốc hội có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường từ năm 2017 theo tỉ lệ phù hợp với mức độ giảm thuế nhập khẩu.

Còn theo TS Ngô Trí Long, để giải quyết bất cập trên, Bộ Tài chính cần có giải pháp giải quyết đảm bảo sự công bằng giữa các DN nhập khẩu xăng dầu. Cơ quan chức năng phải có sự tính toán, điều chỉnh bù trừ chênh lệch mức thuế giữa các DN. Ông Long đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét lại thời gian lấy số liệu để tính thuế. Cách tính hiện nay tạo độ trễ quá lớn, không phù hợp với sự biến động kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. “Nên chăng tính mức thuế bình quân gia quyền của tháng trước tính cho tháng sau là phù hợp” - ông Long kiến nghị.

Ai có phương án thuế hay hơn sẽ được thưởng!

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng năm 2016 của Bộ Tài chính diễn ra vào ngày 2-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ mong muốn ngành tài chính cũng như các chuyên gia hiến kế đề xuất các phương án tính thuế nhập khẩu xăng dầu. Nếu ai có phương án khả thi hơn cách tính thuế theo bình quân gia quyền thì Chính phủ, bộ trưởng Tài chính và cá nhân Phó Thủ tướng sẽ thưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN