Lại phá mía... trồng mì
Tại nhiều vùng nguyên liệu mía lớn ở Gia Lai, Tây Ninh, Phú Yên,… đang ghi nhận tình trạng nông dân ồ ạt phá mía trồng mì (sắn) sau khi thất thu nặng ở niên vụ 2017 – 2018.
Đại biểu QH kêu khó cho dân trồng mía
Giá đường xuống thấp nên niên vụ 2017 – 2018, giá thu mua mía của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ còn 900.000 đồng/tấn (10 CCS), giảm khoảng 150.000 đồng/tấn so với niên vụ trước. Với mức giá này, nông dân lỗ nặng.
Theo chính sách thu mua mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà tại Tây Ninh, nếu chữ đường tăng 1 CCS sẽ được tăng 90.000 đồng/tấn mía sạch; giảm 1 CCS sẽ giảm 90.000 đồng/tấn mía sạch. Nguyên nhân khiến nhà máy phải giảm giá thu mua nguyên liệu là do giá đường trong nước đang ở mức thấp.
Điều đáng nói là, niên vụ 2017 – 2018, thời tiết không ủng hộ người trồng mía Tây Ninh khi mưa nhiều làm cây mía bị ngập nước, cây mía ngã đổ nhiều, sinh trưởng kém,… nên năng suất bình quân trong vùng chỉ đạt bình quân 65 tấn/ha.
Tình hình cũng không mấy khả quan đối với những người trồng mía ở Phú Yên khi những ngày cuối tháng 4.2018, mía tiếp tục giảm xuống mức 770.000 đồng/tấn, đẩy người nông dân vào tình cảnh lao đao.
Nông dân Tây Ninh, Phú Yên đã có một mùa mía "đắng". Ảnh: IT.
Theo chia sẻ của nhiều nông dân Phú Yên, mức giá này là áp dụng với diện tích mía ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy, còn không bao tiêu chỉ đạt 720.000 đồng/tấn, cứ giảm 1 chữ đường sẽ bị trừ 10%, rồi cứ 10 tấn mía bị nhà máy trừ gần 1 tấn tạp chất. Trừ đầu trừ đuôi, giá đến tay nông dân chỉ còn khoảng 650.000 đồng/tấn.
Với mức giá này đến 90% dân trồng mía thua lỗ. Tình hình bi đát đến mức đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) trước diễn đàn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV phải kiến nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT sớm có chính sách kịp thời “cứu” 1,5 triệu người trồng mía của tỉnh này.
Ồ ạt phá mía
Thời điểm này đang ghi nhận phong trào ồ ạt phá mía trồng mì diễn ra ở nhiều nơi. Tại xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), nhiều nông dân ồ ạt phá bỏ nhiều diện tích mía mới trồng để trồng mì. Anh Phạm Hồng Phương, xã Xuân Phước, nói: “Hiện, giá mía ở mức 650.000 đồng/tấn trong khi giá nhân công, xe vận chuyển cao hơn năm trước nên hầu như người trồng mía nào cũng thua lỗ. Do đó, chúng tôi mới quyết định chuyển sang trồng sắn vì sắn dễ trồng, ít công chăm sóc”.
Hiện, chưa thể thống kê được bao nhiêu diện tích mía chuyển sang trồng sắn ở Phú Yên. Điều đáng nói là, trung bình 1ha mía trồng mới, nông dân đầu tư hết khoảng 30 triệu đồng và được lưu gốc từ 1-2 năm sau khi thu hoạch lần đầu. Bây giờ, giá mía vừa giảm, nông dân đã vội phá bỏ để trồng cây khác thì thực sự rất lãng phí.
Nhiều diện tích sắn mọc lên, thay thế cây mía. Ảnh: IT.
Tương tự, nhiều nông dân ở Gia Lai cũng đang chặt mía trồng sắn. Ông Phạm Văn Ba (buôn Sô Ma Rương, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) vừa phá bỏ 28ha mía để trồng mì. Đây là diện tích mía không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho Nhà máy Đường Ayun Pa nên vụ thu hoạch này, nhà máy từ chối mua mía của ông.
“Giá bán chỉ có 350.000 đồng/tấn mía cây, trong khi công chặt đã mất 250.000 đồng/tấn, trừ chi phí giống, phân bón, công cày đất, làm cỏ… thì lỗ khoảng hơn 10 triệu đồng/ha. Vì thế, tôi phải chuyển sang trồng mì” - ông Ba cho hay.
Theo ông Đỗ Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Ia Peng, trên địa bàn xã có khoảng 40-50ha mía không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho Nhà máy Đường Ayun Pa. Vừa qua, có một số hộ đã tự đốt bỏ diện tích mía của mình, một số bán cho nhà máy khác với giá thấp nên nhiều hộ đang cân nhắc việc phá mía để trồng mì.
Nguy cơ vỡ quy hoạch
Được biết, phần lớn diện tích mía người dân chặt bỏ nằm ngoài hợp đồng thu mua với nhà máy. Theo thống kê, niên vụ mía 2017-2018, huyện Phú Thiện có khoảng 1.500ha mía không có hợp đồng đầu tư, thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa nên nhà máy không thu mua. Điều này buộc hàng trăm nông dân đắng lòng chấp nhận phá bỏ mía để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Toàn huyện Phú Thiện có khoảng 1.200ha mì. Hiện, giá mì tươi dao động ở mức 3.500 đồng/kg, mì khô 5.000 đồng/kg, với mức giá này, nhiều hộ trúng đậm từ 25 - 35 triệu đồng/ha, kích thích nhiều hộ phá mía trồng mì. Dù chưa thống kê được con số cụ thể, tuy nhiên, khả năng mở rộng diện tích mì của địa phương là rất lớn.Tương tự, diện tích mì của huyện Ia Pa (Gia Lai) có thể đạt 8.500ha, tăng khoảng 1.000ha so với niên vụ trước. Trong đó, chủ yếu là diện tích người dân tự chuyển đổi cây trồng, phá rẫy mía để trồng mì.
Tại Phú Yên, diện tích mì cũng đang tăng chóng mặt. Theo quy hoạch, diện tích mì của tỉnh có 11.000ha nhưng hiện tại đã lên tới trên 23.000ha. Hiện, giá mì tại Phú Yên đang cao ngất ngưởng và duy trì ở thời gian dài với mức 2.800 đồng/kg, tăng đến gần gấp đôi lần so với vụ trước, cao kỷ lục trong 5 năm trở lại đây. Đây cũng là nguyên nhân khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên phải khuyến cáo, người dân cần tính toán kỹ việc trồng sắn vì sẽ phá vỡ quy hoạch của tỉnh. Việc trồng sắn ồ ạt nhiều quá làm cho dư thừa, các nhà máy thu mua sẽ chậm, khắt khe hơn.
Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Phú Yên nhận định: “Việc trồng sắn ồ ạt sẽ làm cho dư thừa. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, chúng tôi thấy nông dân trồng sắn quá nhiều dẫn đến một số hệ lụy. Thứ nhất là về giống, vì khi chuyển sang trồng sắn trong điều kiện không chuẩn bị sẵn giống, họ sử dụng các giống cũ, giống chất lượng không cao và đặc biệt là giống nhiễm bệnh như sáp bột hồng thì rất nguy hiểm”.
Được biết, UBND huyện Phú Thiện cũng tăng cường chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã vận động người dân không phá mía để trồng mì và không tăng diện tích mì hiện có bởi trồng mì sẽ gây thoái hóa, làm đất bạc màu; đồng thời ngăn chặn nguy cơ phá rừng, phát rẫy lấy đất trồng mì, tránh phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng.
Vòng luẩn quẩn “phá mía trồng mì” cũng như trước đây “phá mì trồng mía” cho thấy tính bất ổn trong sản xuất của người nông dân và đang thiếu một chính sách căn cơ giúp ổn định đầu ra cho nông sản, đảm bảo sản xuất bền vững.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ...