Lại “nóng” chuyện gà lậu
Một tuần sau lời “tuyên chiến” của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngay trên diễn đàn Quốc hội, phóng viên ghi nhận tình trạng gà thải loại nhập lậu vào VN vẫn hết sức “nóng”.
Sáng bắt gà lậu, chiều thú y bảo không có
Sáng 20.11, tại Bến phà Vị Thủy, huyện Ba Vì, Đội Quản lý thị trường số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an TP.Hà Nội bắt giữ xe tải mang BKS 29C - 01654 do Nguyễn Đức Mạnh (thị xã Chí Linh, Hải Dương) điều khiển chở hơn 200 lồng gà với trọng lượng trên 4 tấn cho chủ hàng Hà Thị Phúc (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Bước đầu, chủ hàng này khai nhận, 4 tấn gà trên trên là gà thải loại của Trung Quốc được lấy từ Cao Bằng về, rồi qua một trung gian khác để đưa gà về Hà Nội tiêu thụ. Chủ hàng Hà Thị Phúc cũng cho biết, đây là chuyến buôn gà nhập lậu từ Trung Quốc với số lượng lớn đầu tiên, mỗi kg gà được mua với giá 50.000 đồng.
Sáng 20.11, lực lượng chức năng đã bắt giữ 4 tấn gà lậu đang được chở đi tiêu thụ tại Ba Vì (Hà Nội).
Trước đó, vào sáng 19.11, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã bắt giữ hơn 300kg gà nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, được một số đối tượng vận chuyển gà bằng thuyền qua sông Hồng. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu 7 lồng gà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày 16.11, Đội Quản lý thị trường số 1 (Lào Cai) cũng đã bắt giữ một vụ vận chuyển 50kg gà lậu tập kết tại bờ sông Hồng, thuộc tổ 9, phường Cốc Lếu (TP.Lào Cai)...
Tuy nhiên, chiều 20.11, tại cuộc họp “Giao ban về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thuỷ sản” của Bộ NNPTNT, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã khẳng định, trong 2 tuần qua… không bắt được lô hàng gà nhập lậu nào.
Cũng liên quan đến vấn đề gà loại thải, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Chúng tôi đã giao cho các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các cơ quan chuyên trách của Bộ Y tế để sớm ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn về mức dinh dưỡng đối với gà thải loại”. |
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Thú y đã chỉ đạo các địa phương xử lý tình trạng nhập lậu gia cầm và tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, 2 tuần nay không có lô nào bị bắt giữ, nên không thể tiến hành lấy mẫu được. Điều đó cũng cho thấy, chứng tỏ việc kiểm soát gia cầm nhập lậu rất chặt chẽ”.
Điều này, chứng tỏ Cục Thú y và lực lượng thú y đã không biết và không góp sức ngăn chặn tình trạng gà nhập lậu. Chính Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã nhận định: “Vừa qua, kiểm tra cho thấy lực lượng thú y ở địa phương còn lơ là, thậm chí còn tiếp tay cho lực lượng buôn lậu gà. Có tình trạng thú y vẫn cấp giấy kiểm dịch cho gà nhập lậu nên gà lậu mới vận chuyển được sâu vào nội địa của nước ta”.
Gà lậu có nhiều chất nguy hiểm
Một chuyên gia trong ngành thú y cho biết, chất sulfadiazin mà Chi cục Thú y Hà Nội vừa phân tích có tồn dư trong gà thải nhập lậu thực chất là một chất tẩy giun, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo PGS - TS.Hoàng Văn Tiệu- nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia, về nguyên tắc, nếu phát hiện tồn dư của chất trên có trong gà thải nhập lậu cao hơn 7-19 lần cho phép, thì phải tiêu hủy ngay, bởi nước ta cũng đã quy định ngưỡng này ở mức khá cao.
Đầu nậu buôn lậu thay đổi thủ đoạn Ông Lê Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: “Thông thường, các đầu nậu đều lấy hàng ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó chuyển về chợ Hà Vỹ (Hà Nội). Nhưng bây giờ họ lại chuyển địa điểm, lấy hàng từ cửa khẩu Cao Bằng đưa về xé lẻ giao cho các đầu mối ở Hà Nội. Hiện các đầu mối buôn gà lậu rất tinh vi và có nhiều thủ đoạn mới như thường xuyên thay đổi địa điểm để đánh lạc hướng và gây khó khăn cho lực lượng chức năng”. X.L |
“Chúng ta cần phải thường xuyên lấy mẫu để phân tích, cụ thể xem trong gà loại thải nhập lậu có những chất tồn dư gì. Điều quan trọng nhất chúng ta hiện nay là vấn đề an toàn dịch bệnh, cũng như sức khỏe con người. Vì thế, dứt khoát phải ngăn chặn được gà nhập lậu, đây là những sản phẩm mà chúng ta không thể kiểm soát, giám sát được chất lượng, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao” - ông Tiệu nói.
Theo cơ quan kiểm nghiệm thuộc Bộ Y tế, qua kiểm tra, cơ quan này đã phát hiện trong thịt gà nhập lậu có tồn dư nhiều loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Những hóa chất đó nếu sử dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Cũng về vấn đề này, bà Xuân Thu đề nghị: “Lực lượng thú y trong thời gian tới cần quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tình trạng gà nhập lậu. Đồng thời, tiếp tục tiến hành lấy mẫu gà nhập lậu để kiểm nghiệm trên diện rộng xem có ảnh hưởng tới việc bùng phát dịch bệnh và sức khỏe người tiêu dùng hay không”.