Lãi lớn, các doanh nghiệp sữa vẫn đòi tăng giá
Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính vừa được công bố, 5 công ty sữa lớn nhất Việt Nam (chiếm 90% thị phần sữa) đang hưởng mức lãi quá lớn, đều từ 20 đến 30%.
Sáng nay (29.4), tại phiên Chính phủ họp thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Thủ tướng về kết quả kiểm tra 5 công ty chiếm 90% thị phần sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi gồm: Vinamilk, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Campina Việt Nam và Mead Johnson Việt Nam. Trước đó, trong phiên họp Chính phủ, đích thân Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam - Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra việc 5 công ty sữa lớn nhất tại Việt Nam đồng loạt đòi tăng giá.
5 công ty sữa lớn nhất Việt Nam (chiếm 90% thị phần sữa) đang hưởng mức lãi quá lớn (ảnh minh họa). Nguồn: Internet
Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, cuối năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, có 3 công ty kê khai giá và tăng giá bán gồm: Công ty Mead Johnson Việt Nam tăng giá 16/24 sản phẩm từ 12.12.2013 với mức tăng từ 11-30,66%; Vinamilk tăng giá 27/32 sản phẩm từ 10.2.2014, và tăng giá 5/32 sản phẩm từ 1.4.2013 với mức tăng từ 7-14%; Nestlé Việt Nam tăng giá 11/24 sản phẩm từ 1.2.2014 với mức tăng từ 5-9%.
Có 2 công ty kê khai tăng giá nhưng đến 14.4 chưa tăng, gồm: Công ty TNHH dinh dưỡng 3A Việt Nam và Công ty TNHH Campina Việt Nam.
Theo ông Dũng, kết quả thanh tra cho thấy việc kê khai giá của Công ty Nestlé Việt Nam có sai phạm, kê khai giá thiếu 3/24 sản phẩm. Ngày 10.1.2014, công ty kê khai giá 12 sản phẩm và tăng giá 11 sản phẩm từ 1.12.2013. Cục Quản lý giá đã có văn bản đề nghị công ty giải trình vào hồ sơ kê khai giá, tuy nhiên công ty vẫn thực hiện tăng giá bán. Số tiền chênh lệch giá bán tăng 11 sản phẩm này từ 1.2.2014 đến 31.3.2014 là hơn 5 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, chi phí sản xuất kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em cũng có những sai phạm, trong đó những sai phạm liên quan đến hành chính sẽ bị Thanh tra bộ xử phạt hành chính. Còn đối với những chi phí bất hợp lý như chi phí quảng cáo quá lớn, Bộ Tài chính sẽ tính toán để thu thuế lợi tức.
“Giá sữa tăng quá cao trong khi các công ty sữa đều đang lãi lớn, từ 20-30% trong năm 2013. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, theo kinh nghiệm các nước, chúng tôi đề nghị khống chế giá trần sữa” - Bộ trưởng Dũng kiến nghị.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Các công ty sữa có mức lãi từ 20-30% là quá lớn. Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Tài chính về khống chế giá trần sữa để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên”.
Chốt lại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính và yêu cầu bộ sớm thực hiện phương án khống chế giá trần sữa để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng.
Hải Phong