Lãi khủng, doanh nghiệp vẫn nợ dây dưa
Trước khi nợ nần, Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) đã chuyển khoản 300 tỉ đồng ra nước ngoài để nhập thiết bị cũ
Sau nhiều lần hẹn dây dưa, cuối tháng 5 vừa qua, BISUCO (trụ sở tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lại khiến hàng trăm nông dân huyện Tây Sơn (Bình Định) và thị xã An Khê (Gia Lai) thất vọng vì lại hứa lèo. Trước đó, cuối tháng 4, hàng trăm người đã kéo đến phong tỏa trụ sở BISUCO để đòi nợ nhưng bất thành.
Nhà máy đường của Công ty CP Đường Bình Định nợ tiền mía của nông dân
Nông dân điêu đứng
Vụ mía vừa qua (từ tháng 1 đến tháng 4), BISUCO nợ khoảng 45 tỉ đồng tiền mua mía của dân. Trong đó, người ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều lên đến tiền tỉ. Vụ việc khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh điêu đứng. “Cả gia đình tôi sống nhờ vào 0,5 ha đất trồng mía với doanh thu gần 30 triệu đồng/vụ. Mấy năm trước, BISUCO mua mía xong trả tiền liền, còn nay họ dây dưa cả tháng nên chúng tôi đành phải kéo lên công ty đòi” - ông Nguyễn Hùng (ngụ xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) bức xúc.
Không chỉ người trồng mía, nhiều thương lái cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do trót làm ăn với BISUCO. “Ngoài hơn 1,5 ha mía nhà, tôi còn gom góp ít tiền để mua mía của bà con địa phương bán lại BISUCO để kiếm ít đồng chênh lệch. Vậy mà đã mấy tháng nay họ nợ tôi hơn 150 triệu đồng nhưng không chịu trả. Giờ tôi như ngồi trên đống lửa vì không biết lấy đâu ra tiền trả cho bạn hàng và người làm công” - anh Lê Đình Lập (40 tuổi, ngụ xã Tây Giang) than thở.
Làm việc với UBND tỉnh Bình Định vào ngày 29-4, lãnh đạo BISUCO cam kết sẽ trả hết số nợ trước ngày 7-6, trong đó đến ngày 29-5 sẽ trả dứt điểm 25 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 31-5, BISUCO chỉ trả được 3,6 tỉ đồng cho người bán mía.
Đầu tư khó hiểu!
Vụ việc càng khiến nhiều người bức xúc khi Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc BISUCO (cả hai đều là người Ấn Độ) “lặn mất tăm” cả tháng qua. Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc BISUCO, giải thích: “Do gần đây giá đường liên tục hạ, công ty đang đầu tư cho nhà máy ở Campuchia nên gặp khó khăn về tài chính. Hiện chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc đang ở nước ngoài tìm kiếm vốn vay trả nợ cho dân”.
Từ năm 2006, Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) đã mua hơn 90% cổ phần của BISUCO. Sau khi các ông chủ Ấn Độ tiếp quản, BISUCO liên tục phát triển với số tiền lợi nhuận sau thuế lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, riêng năm 2011 lãi hơn 100 tỉ đồng. Dù vậy, thời gian qua, BISUCO lại có dấu hiệu chây ì trong việc trả nợ. Cụ thể, ngoài số nợ 45 tỉ đồng tiền mua mía, BISUCO còn nợ khoảng 7 tỉ đồng tiền thuế và hơn 10 tỉ đồng tiền thuê đất.
Theo tìm hiểu, sở dĩ BISUCO lâm vào cảnh nợ nần như trên là vì một khoản “đầu tư thiết bị” khó hiểu. Cụ thể, năm 2012, BISUCO lập dự án nâng công suất nhà máy từ 3.500 tấn mía/ngày lên 5.000 tấn mía/ngày. Trên cơ sở đó, trong 2 năm qua, BISUCO đã chuyển khoản 300 tỉ đồng ra nước ngoài mua thiết bị để nâng công suất ép mía.
Điều đáng nói, thiết bị trên được BISUCO mua từ công ty mẹ ở Ấn Độ, đã qua sử dụng nhiều năm, rất cũ kỹ. Theo một số chuyên gia ngành mía đường, giá trị các thiết bị mà BISUCO nhập về thấp hơn rất nhiều so với số tiền trên hợp đồng.
Cầu cứu UBND tỉnh Ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết do bị người dân gắt gao đòi nợ, vừa qua, lãnh đạo BISUCO có đề nghị tỉnh hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng để vay. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không can thiệp. “Chính quyền địa phương chỉ cố gắng làm sao để bảo đảm ổn định trật tự an ninh chứ không dính vào quan hệ nợ nần giữa hai bên” - ông Sỹ khẳng định. |