Lại dùng chất cấm nuôi heo siêu nạc
Việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta - agonist trong chăn nuôi đang trỗi dậy, không chỉ ở nông hộ mà còn tại các trang trại quy mô công nghiệp.
Thông tin gây sốc nêu trên đã được ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, công bố ngày 22-8 tại hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi năm 2014, do Cục Chăn nuôi tổ chức ở TP HCM.
Trại lớn cũng dính
Ông Quang cho biết việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi ở các công ty lớn không khó, khó là quản lý thức ăn chăn nuôi ở các trang trại, nông hộ để bảo đảm sản phẩm lưu thông trên thị trường không có chất cấm.
Người tiêu dùng rất khó phân biệt thịt heo có tồn dư kháng sinh hay không
Khác với những năm trước là tập trung kiểm tra các nông hộ nhỏ lẻ, 7 tháng đầu năm 2014, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã tổ chức 2 đợt kiểm tra tập trung vào các trại nuôi quy mô công nghiệp. Đợt 1, chi cục chọn ngẫu nhiên 20 trang trại, lấy mẫu heo từ 70 kg trở lên, phát hiện 2 trại có chất cấm với lượng tồn dư rất lớn. Đợt 2 kiểm tra cũng phát hiện 4 trang trại có sử dụng chất cấm. “Điều này cho thấy khi giá heo hơi đang cao như hiện nay thì không phải việc sử dụng chất cấm không xảy ra và việc người chăn nuôi trộn chất cấm vào thức ăn là vấn đề phức tạp” - ông Quang nhận xét.
Tại TP HCM, kết quả giám sát các tháng đầu năm tuy chưa phát hiện chất cấm nhưng trong 30 mẫu thịt heo được lấy ngẫu nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện đến 13 mẫu (43%) có tồn dư kháng sinh Sulfadimidin vượt giới hạn cho phép.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn, đại diện Công ty CP Dịch vụ khoa học công nghệ Sắc Ký Hải Đăng, đề nghị cơ quan chức năng cần quản lý chặt và thường xuyên, không nên làm kiểu chiến dịch vì lợi nhuận của việc sử dụng chất cấm là rất lớn. GS Sơn cho biết học trò của ông từng làm nghiên cứu sinh thử nghiệm bỏ một lượng rất nhỏ nhóm chất beta - agonist vào thức ăn để nuôi heo. Kết quả là chỉ sau 18 tuần, 1 con heo từ 10 kg đã nặng hơn 100 kg.
Theo các nhà chuyên môn, beta - agonist là nhóm chất gồm clenbuterol, salbutamol và ractopamine, được người chăn nuôi dùng để nuôi heo siêu nạc với thời gian ngắn. Đối với người tiêu dùng, sử dụng thịt tồn dư beta - agonist về lâu dài có thể gây các tổn hại lên hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp và bị ung thư, thậm chí có thể gây tử vong cho người có bệnh về tim mạch, huyết áp.
Cần hình sự hóa
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nhờ kiểm tra quyết liệt nên TP HCM và Đồng Nai đã phát hiện được nhiều vi phạm. Với chế tài chỉ phạt tiền, heo lại được nuôi tiếp để thải hết chất cấm ra rồi cho giết mổ là không đủ răn đe. Tại Thái Lan, nếu vi phạm lần 2 có thể bị phạt tù 1-3 năm nên trong 5 năm, nước này đã giải quyết được beta - agonist. Trong khi đó, Việt Nam phát hiện việc nuôi heo bằng chất này từ năm 2006 nhưng đến nay chưa xử lý xong.
Theo ông Dương, cần tuyên truyền mạnh về việc này. Sau đó, nếu trang trại bị phát hiện sử dụng chất cấm thì hủy luôn đàn heo. Mới đây, góp ý sửa đổi Luật Hình sự, Cục Chăn nuôi đã nêu quan điểm cần hình sự hóa việc sử dụng chất cấm trong nông nghiệp, không thể đợi đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự.
“Với heroin, người nào dùng thì người đó chịu, người đó chết. Còn ở đây, người chăn nuôi sử dụng nhưng người tiêu dùng phải chịu, có thể làm suy kiệt giống nòi. Vì thế, phải hình sự hóa hành vi này” - ông Dương nhìn nhận.
Theo Bộ NN-PTNT, vấn đề sử dụng chất kích thích sinh trưởng, chất cấm trong chăn nuôi đang diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, bộ đã ban hành kế hoạch kiểm tra trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi năm 2014 tại 6 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, TP HCM, Đồng Nai và Vĩnh Long từ nay đến hết tháng 9-2014. Trong đó, việc kiểm tra chất cấm tập trung ở nhóm chăn nuôi có nguy cơ cao - cơ sở tự phối trộn thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi bằng các nguồn thức ăn tận dụng. Các mẫu được lấy gồm thịt, gan, thức ăn tại máng ăn, nước tiểu heo ở giai đoạn vỗ béo.
Không thể vô tình mà là cố tình Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đề nghị cơ quan quản lý cần công khai cụ thể trang trại nào vi phạm để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. “Quan điểm của Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai là nói không với chất cấm vì chúng ta đã có bài học mất hàng ngàn tỉ đồng do bị người tiêu dùng tẩy chay trước đây, giá heo không lên được. Do đó, nếu hội viên của hội vi phạm, tôi cũng đề xuất xử thật nặng. Rõ ràng đến thời điểm này, không thể nói trang trại vô tình sử dụng chất cấm mà đều là cố tình. Vì thế, nếu không đóng cửa được trang trại đó thì cần cấm họ xuất bán heo ra thị trường 2 tháng. Khi đó, trang trại vi phạm sẽ tự chết vì không chịu nổi tiền cám” - ông nhấn mạnh. |