Lại đổ xô trồng sầu riêng

Trong khi ngành nông nghiệp cảnh báo về việc ồ ạt trồng sầu riêng, các doanh nghiệp tiêu thụ lại nói chưa đáng ngại

Sau khi sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng tăng cao, nhiều thời điểm hút hàng, không ít nông dân thấy lợi trước mắt đã phá bỏ các loại cây trồng hoặc chuyển đổi vườn cây già cỗi, sâu bệnh sang trồng sầu riêng.

Phá cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng

Anh Bùi Văn Hải (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã chuyển đổi hơn 7 sào (7.000 m2) cà phê sang trồng sầu riêng. Theo anh Hải, vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất thấp. "Cây sầu riêng giờ đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cà phê" - anh Hải hy vọng.

Ông Nguyễn Duy Phương (ngụ huyện Krông Pắk) mặc dù biết khi diện tích sầu riêng phát triển "nóng", sản lượng sầu riêng trong tương lai sẽ lớn nhưng ông nói: "Mọi người làm thì mình cũng làm thôi".

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có hơn 15.000 ha sầu riêng (chiếm 17,6% diện tích cả nước) và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính sản lượng thu hoạch năm 2022 khoảng 170.000 tấn và đến năm 2025 là hơn 300.000 tấn.

Toàn khu vực Tây Nguyên, diện tích sầu riêng cũng tăng khá nhanh, tới hơn 40.000 ha, vượt quy hoạch đề ra nhưng chưa có dấu hiệu dừng tăng nên nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra.

Nhiều nông dân trồng xen canh sầu riêng và sau đó chặt bỏ cà phê khi sầu riêng được giá Ảnh: CAO NGUYÊN

Nhiều nông dân trồng xen canh sầu riêng và sau đó chặt bỏ cà phê khi sầu riêng được giá Ảnh: CAO NGUYÊN

Tại BĐSCL, ông Ngô Văn Tua (ngụ xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) từng "trung thành" với cây khoai lang hàng chục năm trời nhưng cũng đã chuyển toàn bộ diện tích trồng khoai khoảng 2 ha của gia đình sang trồng mít Thái và sầu riêng. Ông Tua cho hay: "Nhiều năm trước, khoai lang xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả không ổn định. Một năm trước, tôi chuyển sang trồng mít Thái và sầu riêng giống Ri6, trong đó diện tích cây sầu riêng là 4.300 m2, trồng 100 gốc. Đến thời điểm này đã trồng được 1 năm và phải đợi khoảng 4 năm nữa mới có thu hoạch".

Tương tự, ông Nguyễn Phương Đông (ngụ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cùng anh em trong gia đình cũng chuyển 2 ha trồng bưởi sang trồng sầu riêng từ năm 2018 và đến tháng 3-2023 thu hoạch vụ đầu tiên. Ông Đông cho hay ở địa phương cũng đang có nhiều người chuyển diện tích trồng bưởi sang trồng sầu riêng do cây bưởi trồng thu hoạch 3-5 năm sẽ bị suy, ảnh hưởng đến năng suất. Trong khi giá bưởi bấp bênh, còn sầu riêng thì luôn có giá.

Vừa qua, Cần Thơ là một trong những nơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cảnh báo về phát triển "nóng" cây sầu riêng. Năm 2015, diện tích trồng sầu riêng của thành phố là 537 ha, đến nay đã tăng lên 2.487 ha, tập trung tại các huyện Phong Điền (1.731 ha), Thới Lai (333 ha) và Ô Môn (233 ha).

Hậu quả khó lường

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp có khuyến cáo người dân thận trọng khi phát triển diện tích cây sầu riêng. Chỉ trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để bảo đảm vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường rộng lớn Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho loại cây ăn trái này. Tuy nhiên, cũng đặt ra những khó khăn, thách thức như nông dân chạy theo giá cả mà chặt bỏ các loại cây trồng khác để mở rộng diện tích sầu riêng.

Theo ông Dương, khi nông dân tự tăng diện tích sầu riêng và hầu như thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ, dễ dẫn đến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng nên người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân nếu không tính toán kỹ, không tạo ra lợi thế riêng và tuân thủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu thì không thể cạnh tranh được. "Khi người dân phát triển sầu riêng đúng các khu vực, vùng định hướng thì nhà nước sẽ có các cơ chế chính sách hỗ trợ. Còn phát triển tự phát thì khi xảy ra rủi ro, nhà nước không hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục có văn bản khuyến cáo, nâng cao nhận thức của người dân và giao trách nhiệm cho các địa phương để bảo đảm cây sầu riêng phát triển bền vững" - ông Dương nhấn mạnh.

Trước sự phát triển nóng của sầu riêng gần đây, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sầu riêng. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây sầu riêng, phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm sầu riêng cũng như liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Chưa quá lo lắng?

Tuy vậy, dưới góc độ tiêu thụ, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lại cho rằng đầu ra của sầu riêng rất rộng mở, khác với các loại trái cây đã từng phải "giải cứu" như: thanh long, cam sành... Cụ thể, sầu riêng có thể bán tươi, cấp đông và chế biến rất nhiều món ngon và đều được thị trường ưa chuộng.

Theo ông Nguyên, hiện nay sầu riêng Việt Nam chưa đủ bán nên việc tăng sản lượng là cần thiết. Tuy nhiên, việc trồng nên chọn giống tốt, nơi có thổ nhưỡng thích hợp để có năng suất cao, chất lượng tốt, giúp tăng uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế. "Ở thị trường trong nước, nhiều người dân vẫn chưa được ăn sầu riêng vì giá cao. Khách du lịch đến Việt Nam cũng sẽ tăng trong tương lai, Việt Nam có thể xuất khẩu tại chỗ với sản lượng không hề nhỏ. Miễn là sầu riêng ngon thì không lo về đầu ra" - ông Nguyên khẳng định.

Về khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông Nguyên cho rằng cần hiểu cho đúng đó là khuyến cáo đối với những vùng trồng không thích hợp thổ nhưỡng. "Sầu riêng là cây lâu năm, trồng 5-6 năm mới cho trái, nếu trồng ở nơi không thích hợp thì rất lãng phí. Ngành nông nghiệp nên có khuyến cáo cụ thể hơn về những vùng không thích hợp trồng sầu riêng, vùng nào vài năm nữa có thể ảnh hưởng hạn mặn… và cả những vùng nào nên khuyến khích trồng sầu riêng" - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nguyên, dù ngành sầu riêng đang có nhiều thuận lợi nhưng việc nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn luôn cần thiết để tránh bị động. Ông dẫn chứng hiện Trung Quốc cho phép nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan (dạng tươi và cấp đông), Malaysia (dạng cấp đông) và Việt Nam (dạng tươi) nên cần đàm phán để sầu riêng Việt Nam cấp đông cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm tăng thêm tính ổn định của thị trường.

Là một doanh nghiệp vừa xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vừa nhập khẩu sầu riêng Malaysia về phân phối trong nước, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ant Farm (TP HCM), cho biết mặt hàng này cung chưa đủ cầu, Việt Nam nên tận dụng lợi thế để trồng thêm.

Ông Trung cho biết hiện chưa có cây trồng nào có hiệu quả kinh tế bằng sầu riêng và nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. "Trước giờ, sầu riêng chỉ bị xuống giá trong một thời gian ngắn do tắc nghẽn lưu thông vì dịch COVID-19 chứ chưa bao giờ nông dân phải bán lỗ" - ông Trung giải thích.

Còn ông Nguyễn Minh Hiếu - chủ sở hữu Gia Bảo Ecofarm, chuyên canh sầu riêng (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước - cho biết trồng sầu riêng mà sản lượng quá ít sẽ khó ký kết với các đối tác lớn. Theo ông Hiếu, điều lo lắng nhất khi tăng diện tích chính là việc sản xuất manh mún, chất lượng kém sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ chung. Do đó, cần tổ chức sản xuất sầu riêng theo hướng nâng chất lượng, độ đồng đều để thuận tiện cho bán hàng. 

Thêm 163 vùng trồng được Trung Quốc cấp mã

Ngày 1-3, Cục Bảo vệ thực vật cho hay Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa cấp thêm cho Việt Nam 230 mã số xuất khẩu sầu riêng (163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói). Tính thêm đợt phê duyệt trước đó thì Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu sản phẩm sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã số vùng trồng nhất; Tiền Giang là tỉnh có nhiều nhà đóng gói sầu riêng được cấp mã sang Trung Quốc nhất. Với việc mở rộng thêm vùng trồng và cơ sở đóng gói, dự báo xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt mức 1 tỉ USD.

Nguồn: [Link nguồn]

Sầu riêng Việt Nam đọ sức với sầu riêng Thái Lan ở Trung Quốc

Hiện Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong khi Việt Nam mới được cấp có 113 mã xuất khẩu và chưa được phép khẩu sầu riêng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC ÁNH - CAO NGUYÊN - CA LINH ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN