Lại đề xuất bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Nhóm công tác ô tô-xe máy tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2015) hôm nay (1.12) đã kiến nghị lên Bộ Tài chính bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được để giảm giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam được ước tính cao hơn ô tô nhập từ Thái Lan tới 20%.

Thay mặt Nhóm công tác Công nghiệp ô tô, xe máy tại VBF 2015, ông Wail A Farghaly cho biết, do bất lợi của quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ, giá thành sản xuất lắp ráp ô tô (CKD) tại Việt Nam hiện đang cao hơn xe nhập khẩu rất nhiều. Để đảm bảo lợi ích của các xe CKD trong giai đoạn Việt Nam chuẩn bị hội nhập toàn diện với ASEAN vào năm 2018 và các hiệp định thương mại khác sắp được ký kết hoặc có hiệu lực trong vài năm tới, Chính phủ nên loại bỏ thuế nhập khẩu những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được và tiếp tục rà soát những loại thuế nhập khẩu của tất cả các linh kiện phụ tùng ô tô khác.

Lại đề xuất bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô - 1

Đề xuất bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được nhằm giảm giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam

Việt Nam cần áp dụng chính sách kiểm soát nghiêm và minh bạch việc nhập khẩu xe nguyên chiếc. Trong đó chú trọng thẩm định giá kê khai của các xe ô tô nhập khẩu mới lẫn ô tô đã qua sử dụng…

Theo ông Wail A Farghaly, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao việc Chính phủ điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong dự thảo mới đây. Tuy nhiên, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi cần thiết cho sản xuất ô tô trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao trong giai đoạn chuyển tiếp khi thị trường ô tô của Việt Nam chưa đủ lớn. Theo đó, nhóm kiến nghị được hưởng mức ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định WTO ở mức 10% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho 10 năm kể từ 2018. Ngoài ra, nhóm cũng đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe 16-24 chỗ và giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe tải Pickup vì đây là dòng xe thương mại hỗ trợ cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, đặc biệt là những vùng ngoại ô, liên tỉnh, liên huyện.

Thay mặt Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng các mức thuế phù hợp với mặt hàng ô tô một cách minh bạch và nghiêm ngặt, từ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, ô tô đã qua sử dụng đến linh kiện; trong đó quy định chặt chẽ việc thẩm định giá, kê khai giá. Bộ cũng nghiên cứu áp dụng chính sách phù hợp với xe ô tô  CKD, xe cá nhân, xe ưu tiên và xe sử dụng ít năng lượng.

“Việt Nam sẽ có ưu tiên ưu đãi cho nhà đầu tư để giảm chi phí sản xuất cao và đang đưa vào dự thảo về thuế ô tô để báo cáo Chính phủ. Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế linh kiện phụ tùng với ô tô cũng đang được Bộ Tài chính xây dựng phương án phù hợp với các hiệp định thương mại mà Việt Nam cam kết tham gia. Với những xe ưu tiên, hiện đang được Bộ bổ sung để trình Quốc hội trong Luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp tháng 3.2016” - ông Tuấn Anh nói.

Báo cáo một số vấn đề về ngành công nghiệp ô tô tại VBF 2015, Nhóm Công tác Ô tô - Xe máy cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bao gồm cả xe lắp ráp, xe sản xuất nội địa (CKD) và xe nhập khẩu (CBU) đã phục hồi và vượt mốc kỷ lục doanh số năm 2009 (160.000 xe) trong tháng 9.2015. Với đà tăng trưởng trong 9 tháng năm 2015, doanh số toàn ngành ô tô dự đoán đạt trên 210.000 xe trong năm 2015 bao gồm cả xe lắp ráp, sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Tuy nhiên, với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam nhưng công suất lắp ráp chưa đạt mong đợi, chỉ gần 500.000 chiếc/năm. Tỷ lệ xe ô tô sản xuất nội địa chiếm khoảng 74% trong cơ cấu doanh số toàn ngành hiện nay song công suất sử dụng thực tế chỉ đạt khoảng 30% tổng công suất thiết kế. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN