Lạ mắt đàn lợn “chạy bộ” giữa “đầm lầy sa mạc”
Với ý tưởng “lợn đi bộ”, ông Trương Tiến Lương người huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đưa lợn rừng từ miền núi về vùng biển để phát triển. Một cách làm mà người dân nơi miền cát trắng này chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Khi nhìn đàn lợn rừng hàng trăm con, tung tăng trong khu rừng tràm ven biển của lão "gàn" Trương Tiến Lương thì bất kỳ ai cũng đều thích thú
Ông Trương Tiến Lương (SN 1960, quê thôn Liên Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà), ông là người tiên phong cho phong trào nuôi lợn rừng ở vùng biển. Với mục đích phát triển kinh tế, bảo tồn nguồn gen tự nhiên, ông đã mạnh dạn đưa giống lợn rừng về vùng biển khắc nghiệt để chăn nuôi.
Ông Lương kể, “Khi tôi đưa giống lợn rừng từ khu vực phía Bắc về nuôi ở miền biển, nhiều người cưởi bảo, “dở người”, lợn gốc gác từ rừng cao, hợp khí hậu mát mẻ, giờ đưa về vùng biển chẳng khác đem lợn vào “chảo lửa” thì làm sao lợn sinh sống, phát triển”.
Trước đây, dân ta vẫn hay dùng cụm từ “gà đi bộ”, tôi nghĩ sao không thể là “lợn đi bộ”. Tôi biến 3ha vùng rừng đước, tràm ven biển ở Thạch Hải (thuê lại) thành nơi thả lợn. Đêm về chuồng nghỉ, ngày thả rông trong rừng. – ông Lương cho biết.
Theo như ông Lương chia sẻ, “Cách chăm sóc lợn hoàn toàn theo phương pháp truyền thống, để chúng sống tự do trong cánh rừng tràm, tự lấy đực và sinh nở. Hoàn toàn tự nhiên giống như lợn rừng “chính hãng”, ăn bằng các loại thức ăn có sẵn và được thả rông trong cánh rừng tràm”.
Được nuôi bằng phương pháp tự nhiên nên đàn lợn con sinh ra không phải tốn nhiều công sức để chăm sóc. Cứ một con lợn rừng nuôi chừng 50kg (mất khoảng 10 tháng) là xuất bán. Lợn này chủ yếu ăn bằng thức ăn tự nhiên như bã đậu, vỏ lạc, cám ngô. Nên lợn thương phẩm, thịt săn ngon và không có tạp phẩm. Vì thế, thịt lợn bán ra luôn được các thương lái, người dùng săn đón trước nhiều tháng trước khi xuất chuồng.
Có lẽ, chính sự táo bạo, dám làm, sẵn sàng chịu “quả đắng” trong chăn nuôi mà chỉ một thời gian ngắn, đàn lợn chỉ với vài chục, phát triển lên cả trăm con, với vốn đầu tư 800 triệu đồng, đưa lại lợi nhuận cao.
Đây là năm đầu tiên ông chăn nuôi lợn rừng, ngoài nuôi gà, dê, thả cá… ông cũng cho biết, tổng trọng lượng đàn lợn đến cuối năm 2017 này sẽ có khoảng 7 tấn. Nếu thuận lợi, năm nuôi đầu tiên này ông sẽ xuất được khoảng 4 tấn lợn rừng ra thị trường với giá 160 triệu đồng/tấn. Trừ các chi phí, lợi nhuận khoảng gần 300 triệu đồng/năm.
Với mô hình kinh tế nuôi lợn rừng ở vùng biển, được xem là lạ, tiên phong nhưng bền vững và ổn định. Khi mà thị hiếu người tiêu dùng đang hướng tới thực phẩm “sạch”, “đồ quê” thì “lợn đi bộ” của ông Trương Tiến Lương sẽ là thương hiệu.
Một số hình ảnh PV Báo Infonet ghi lại:
Lợn tự do sống trong rừng ở ven biển
Từ chú lợn con nhỏ 10kg, sau 10 tháng nay đã tăng lên gần 50kg
Chúng sống tự do trong rừng, chỉ đến tối chủ mới lùa về chuồng ngủ
Ông Trương Tiến Lương cho biết: Đàn lợn hàng trăm con của ông sống lâu ngày, nay gần gũi như con người
Chỉ một đến 2 tháng nữa ông Lương có thể xuất lứa lợn rừng đầu tiên
Ông Lương gọi lợn của ông là "lợn đi bộ"
Dù là lợn rừng nhưng phương pháp nuôi, thả tự nhiên, đúng "hãng" lợn rừng nên sinh nở, phát triển rất tốt.
Đây được coi là đàn lợn rừng đầu tiên được thả nuôi ở vùng ven biển tại Thạch Hải
Lợn phát triển tốt, không bệnh dịch đó là nhờ môi trường tự nhiên
Chúng tự giao phối, tự sinh nở
Cứ một chú lợn giống thế này, nuôi đến khi xuất ra thị trường là mất 10 -12 tháng.