Lạ mà hay: Nuôi loài cá quý "bí ẩn" của dòng Mê Kông, "đắt xắt ra miếng"
Lý giải với PV báo Dân Việt về việc vì sao mình chọn cá hô-loài cá quý hiếm "bí ẩn" của dòng sông Mê Kông để phát triển kinh tế từ hơn 4 năm qua, ông Ngô Hữu Phước, 63 tuổi ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Đây là loại cá tăng trọng rất nhanh, giá bán rất cao, chất lượng thơm ngon dễ chế biến nhiều món ăn cao cấp trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Hơn nữa, số người nuôi được loài cá quý hiếm này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay...".
Trò chuyện với PV báo Dân Việt, ông Ngô Hữu Phước nhớ lại: "Tuổi thơ tôi đã chứng kiến người dân bắt được nhiều con cá hô nặng cả mấy chục ký trên sông Cổ Chiên. Nhưng càng về sau, nhất là những năm gần đây cá hô gần như "tuyệt chủng". Hành tung loài cá quý hiếm này ngày càng "bí ẩn" bởi tình trạng cạn kiệt. Trong thâm tâm tôi đã dự định nuôi loài cá này như một cách bảo tồn...".
Năm 2013, ông Phước bắt đầu thử nghiệm nuôi 4 con cá hô bắt được ngoài tự nhiên để đúc kết kinh nghiệm. Sau 16 tháng nuôi, 4 con cá cá hô trên đều đạt trọng lượng trên 5 ký-một con số quá bất ngờ. Với giá bán 300.000 đồng/ký, ông Phước đã có ngay số tiền lãi gần 5.000.000 đồng sau khi hết trừ chi phí...
Một con cá hô quý hiếm được ông Ngô Hữu Phước bắt lên từ ao nuôi. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Thấy mô hình nuôi cá hô quý hiếm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, ông Ngô Hữu Phước liền tìm mua và thả nuôi 200 con cá hô trong 2.000m2 ao đất của gia đình. Từ vốn kinh nghiệm nuôi 4 con cá hô ban đầu, ông Phước "khăn gói" tìm đến các ao nuôi cá hô quý hiếm ở các tỉnh bạn để học hỏi thêm và nhờ cậy đến các chuyên gia, kỹ sư thủy sản của Đại học Cần Thơ... Đến năm 2017, ông Phước thả nuôi tiếp 650 con cá hô khác và bắt đầu thu hoạch ở năm 2018. Trong ao nuôi cá hô, ông Phước thiết kế nhiều cái “vèo” (hay còn gọi là mùng lưới) để đưa những con cá có trọng lượng và thời điểm thả nuôi tương đồng vào ở chung với nhau.
Trong ao đất, ông Phước làm các vèo lưới. Trong mỗi vèo lưới nuôi nhốt cá hô với kích cỡ, độ tuổi giống nhau. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Theo kinh nghiệm thực tế nuôi cá hô quý hiêm, ông Phước chia sẻ với PV Dân Việt: "Quan trọng nhất là con giống phải có chất lượng cao, khỏe mạnh, có xuất xứ rõ ràng (riêng ông luôn chọn mua con giống từ các trại ươm cá giống của tỉnh An Giang). Mật độ thả nuôi cá hô không được dầy đặc như các loài cá khác, thông thường 2m2/con. Cá hô thả mật độ thưa bởi loại cá này rất hiếu động, nhanh nhẹn, rất thích bơi lội nên cần không gian rộng. Dưới ao nuôi phải bố trí các máy sục khí để tạo thêm nguồn ô-xy cho chúng. Nước trong ao phải đảm bảo vệ sinh và được luân chuyển liên tục...".
Một con cá hô quý hiếm trong ao nuôi được ông Phước bắt lên giới thiệu với PV báo Dân Việt về tập tính, kinh nghiệm chăm sóc... Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Theo ông Phước, tuy là loài cá hiếu động, bơi lội giỏi, nhưng cá hô lại là loại cá rất hiền lành, háu ăn, thường lặn sâu dưới nước mỗi khi trời nắng gắt và khi trời mưa. Về thức ăn cho đàn cá hô, ông Phước sử dụng thức ăn công nghiệp và chỉ cho ăn mỗi ngày một lần. Cá hô có trọng lượng từ 3 ký trở lên (thường sau 12 tháng nuôi) sẽ xuất bán được cho thương lái nhiều nhất là thị trường phía Bắc, các tỉnh miền Trung với giá từ 300.000 đến 320.000 đồng/ký. Bình quân mỗi năm ông có lãi từ 300.000.000 đến 400.000.000 đồng từ nuôi cá hô - loài cá quý hiếm.
Ông Ngô Hữu Phước phấn khởi chia sẻ với PV báo Dân Việt: “Ở miệt vườn sông nước, tôi đã có trên 40 năm nuôi cá các loại như cá trê, tra, chép, chạch lấu, thát lát… nhưng chưa có loài cá nào mà nuôi hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá hô. Cá hô tôi nuôi có con nặng tới cả chục ký nếu để nuôi trong ao từ 36 tháng trở lên. Điểm đặc biệt, cá hô càng có tuổi đời cao, trọng lượng càng lớn thì giá bán lại càng cao... Có thể nói, đến thời điểm này, để cá hô trong ao như nhà có đồ cổ, càng lâu càng có thêm tiền...".
Ông Ngô Hữu Phước cho PV báo Dân Việt biết, cá hô tuy là loài cá ưa hoạt động, bơi lội giỏi, háu ăn nhưng lại rất hiền lành.. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Ông Trần Thiện Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngãi Tứ nhận xét: “Ông Ngô Hữu Phước lão nông rất mát tay trong việc nuôi thủy sản, nuôi đâu thì trúng đó bởi khi đã xác định nuôi loài cá nào thì ông rất dày công tìm hiểu sâu về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi loài cá đó. Ông Phước còn rất tận tình hướng dẫn nhiều người khác đến học tập, tìm hiểu mô hình nuôi cá hô quý hiếm tương đối mới ở ĐBSCL”.
Ông Ngô Hữu Phước dưới vèo nuôi cá hô của gia đình. Ảnh: Phan Thị Anh Thư.
Tuy nuôi cá hô mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng ông Ngô Hữu Phước cũng khuyến cáo rất chân tình: "Đây là loại cá quý hiếm nên người nuôi cần hết sức tuân thủ các quy định; thực hiện nghiêm chế độ chăm sóc mới đạt kết quả cao. Cạnh đó, do giá bán cá hô thịt trên thương trường hiện rất cao nên đầu ra cho loài cá này còn hạn hẹp bởi cá thịt phần lớn phục vụ người có tiền, chứ đa số dân lao động bình thường khó mua được...".