LẠ: Đánh liều nuôi con rậm lông trên đất Phủ Quỳ, bán 200 ngàn/kg
Nói đến nuôi cừu ở Việt Nam, người ta thường nghĩ đến tỉnh Ninh Thuận, vùng đất nắng hạn với hàng vạn con cừu sinh sôi, nảy nở. Thế nhưng, ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã có một nông dân “làm liều” mang cừu giống từ Ninh Thuận ra nuôi. Sau đôi lần thất bại, hiện tại những chú cừu của gia đình anh nông dân này đã và đang đã phát triển, sinh sản tốt. Mỗi lứa bán con rậm lông này, gia đình anh có lời hơn chục triệu đồng.
Anh Thái Bá Phú, một cựu chiến binh ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa quyết định tìm hiểu và chăn nuôi cừu cách đây hơn 4 năm, nơi mảnh đất Phủ Quỳ khô cằn, sỏi đá.
Kể lại với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Thái Bá Phú nhớ lại, khi đó, hầu hết người thân, bạn bè ai cũng can ngăn, bởi nuôi cừu còn lạ lẫm tại Nghệ An. Ở thị xã Thái Hòa thậm chí nhiều người còn không biết con cừu mặt mũi nó thế nào. Thế nhưng, anh Phú vẫn quyết tâm mang những con cừu từ Ninh Thuận về chăn thả ở đất đồi của gia đình. Thời gian đầu, do thay đổi môi trường sống, cộng với kiến thức chăn nuôi, kinh nghiệm nuôi cừu của anh Phú còn hạn chế, nên trong số 28 con cừu giống ban đầu mang về đã chết hơn một nửa, chỉ còn hơn 10 con.
Anh Thái Bá Phú ở xóm 15A, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa( Nghệ An) là người đầu tiên "đánh liều" mang cừu Ninh Thuận ra để nuôi.
Rót tách trà vừa mới pha, anh Thái Bá Phú vui vẻ chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Để mà kể về thành công nuôi cừu thì tôi nghĩ đến bây giờ tôi vẫn chưa có gì để kể, tôi chỉ muốn chia sẻ với bà con nông dân về những đam mê và quyết tâm của tôi mà thôi. Nói thật lòng, sau hơn chục năm nuôi dê thành công mĩ mãn thì tôi quyết định tìm hiểu và chuyển nuôi sang cừu. Tôi nghĩ bản tính cừu cũng không khác dê là mấy, tại sao mình thành công từ nuôi dê rồi, mà mình lại không thử nuôi cừu chứ?...".
Ngày anh Phú quyết định vào tỉnh Ninh Thuận để học hỏi kinh nghiệm nuôi cừu, gia đình, người thân, bạn bè phản đối ghê lắm, ai cũng bàn lùi. Anh vẫn quyết tâm đi. Một mình nơi đất khách quê người học kỹ thuật chăm sóc cừu lắm lúc anh Phú cũng hoang mang, lo lắng bởi chưa tin chắc rằng con vật vốn gắn với sinh cảnh hoang mạc, bán hoang mạc này liệu có sống được, sinh đẻ được ở một vùng đất xa xôi như ở Phủ Quỳ.
Nhưng càng học kinh nghiệm nuôi cừu thì anh Phú càng quyết tâm sẽ đưa cừu ra nuôi ở Nghệ An. Anh quyết định dồn hết tiền mua gần 30 con cừu giống đưa từ Ninh Thuận ra Nghệ An. Anh Phú kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Ban đầu đưa về Nghệ An thấy cừu chết nhiều, số con còn lại cũng yếu ớt nên tôi rất lo sợ vì bao nhiêu vốn liếng của gia đình đều tập trung vào đàn cừu. Sau nhiều ngày tôi tiếp tục tìm tòi từ nhiều kênh thông tin về đặc tính , kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cừu, tôi đã áp dụng với quyết tâm nuôi bằng được".
Đàn cừu của anh Phú hiện có gần 50 con, phát triển khoẻ mạnh, mỗi năm sinh sản hai lứa. Ảnh: Mỹ Hà
Bao nhiêu lần thất bại không làm anh Phú nản lòng, đàn cừu đã không phụ công tìm tòi, chăm sóc của anh, sinh trưởng, phát triển rất tốt. Mỗi năm cừu mẹ đẻ 2 lứa, hiện tại đàn cừu đã lên số lượng gần 50 con. Cừu chủ yếu ăn cỏ nên anh Phú đã chủ động nguồn thức ăn ngay tại vườn đồi của gia đình. Thời gian chăn nuôi cừu thịt thương phẩm mất khoảng 6 tháng, với giá bán cừu thịt ra thị trường hiện nay khoảng 200.000 đồng/1kg, mỗi lứa cừu sau khi trừ chi phí cho anh Phú thu nhập hàng chục triệu đồng.
Thức ăn của cừu chủ yếu là cỏ nên anh Phú đã tận dụng khoảng đồi của mình để trồng cỏ phục vụ cho đàn cừu. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Thái Bá Phú nói: "Làm cái gì thì cũng phải có quyết tâm và chịu khó học hỏi. Tôi đã không nản lòng khi thất bại, cừu càng chết càng làm tôi quyết tâm thực hiện mong muốn của mình hơn. Hơn 4 năm qua, tôi vẫn chưa khắc phục được một điều, đó là cứ đến thời điểm nắng nóng thì cừu mẹ lại chết, nhất là lúc đang mang thai. Nhưng bây giờ tôi hiểu được lý do, đó là do nắng nóng đỉnh điểm, cừu mẹ mang thai, sức đề kháng kém, chịu nóng kém nên sẽ bị chết...".
Để khắc phục hiện tượng cừu mẹ chết khi nắng nóng, anh Phú đang nghiên cứu lắp thêm quạt làm mát chuồng cừu. Với sự phát triển của đàn cừu hiện tại, có thể khẳng định anh đã thành công. Sắp tới anh tính tăng đàn quy mô đàn cừu lên khoảng 300 con. Do cừu là thực phẩm mới mẻ, thịt ngon nên hiện đầu ra của sản phẩm thịt cừu khá ổn định, thậm chí không đủ cừu thịt để bán...
"Làm cái gì thì cũng phải có quyết tâm và chịu khó học hỏi, tôi đã không nản lòng khi thất bại, cừu càng chết càng làm tôi quyết tâm thực hiện mong muốn của mình hơn", anh Phú nói. Ảnh: Mỹ Hà
Mô hình nuôi cừu của gia đình anh Phú được đánh giá là tiêu biểu trong chuỗi liên kết phát triển kinh tế do Hội Cựu Chiến binh xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa xây dựng.
"Chúng tôi xác định mô hình này là hạt nhân trong tổ liên kết phát triển kinh tế mà chúng tôi xây dựng và phát triển hơn một năm nay. Mô hình này cho thu nhập đầy triển vọng, và đáng để học hỏi nhân rộng hơn nữa", ông Ngô Quang Đào - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa chia sẻ.
Hiệu quả của mô hình nuôi cừu đầu tiên của thị xã Thái Hoà( Nghệ An), bước đầu cho thấy đây là hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi trên địa bàn. Ảnh: Mỹ Hà
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thuận nói: “Anh Thái Bá Phú là một cựu chiến binh, một hộ nông dân làm kinh tế giỏi. Anh ấy không chỉ thành công với mô hình chăn nuôi cừu thương phẩm mà còn nuôi dê, trồng các cây ăn quả như cam, macca....Mô hình của anh Phú đã thu hút được bà con nông dân khắp các xã, huyện lân cận tới học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cừu. Chúng tôi khuyến khích các hộ nông dân học tập, làm theo các mô hình sản xuất mới có tính bền vững.”
Chi phí đầu tư không hề đắt nhưng sản phẩm thu được lại có giá trị khiến người nông dân này “hốt“ bạc.