Lạ: Chàng trai 9X trồng nấm sạch ở "xó núi" mà dân phố ai cũng biết
Bị cho là “điên” khi dám vay hàng trăm triệu đồng mở trại trồng nấm ở nơi “xó núi”, nhưng rồi chàng trai trẻ Đàm Văn Bình (SN 1994) ở thôn Hạ Lý, xã Châu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã gặt hái thành công, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cầm “sổ đỏ” vay tiền trồng nấm
Mất khá nhiều thời gian men theo con đường ngoằn ngoèo đầy bụi, chúng tôi mới tìm đến được trại nấm của anh Đàm Văn Bình nằm sâu trong một khu dân cư nhỏ dưới chân dãy núi Hoành Sơn.
Lúc chúng tôi đến, Bình đang lui hui tưới nước, chăm sóc nấm ở bên trong ngôi nhà nấm. Dừng tay tiếp chuyện chúng tôi nhưng cứ chừng dăm bảy phút, điện thoại của Bình lại đổ chuông. Anh cho biết: Mấy ngày hôm nay nhiều khách hàng gọi điện đến đặt hàng, nhưng trại không đủ nấm để giao.
Đàm Văn Bình và trại nấm cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm của mình. Ảnh: Phan Phương
Kể về cơ duyên đến với nghề làm nấm ở chốn “xó núi” này, Bình cho biết: Học hết lớp 9, do gia đình không có điều kiện, lại xa xôi nên Bình theo cha vào tận Bà Rịa – Vũng Tàu đi biển thuê cho các chủ tàu cá. Nhưng rồi nghề biển khắc nghiệt, lại là trai miền núi không thích nghi được với sóng gió của biển khơi nên Bình vào bờ lên Đồng Nai xin vào làm thuê cho một trang trại trồng nấm. Những ngày làm việc ở đây, Bình cảm thấy rất thích thú với công việc này và Bình nảy sinh ý định sẽ vừa làm vừa học thật tốt nghề trồng nấm để về quê lập nghiệp.
Năm 2013, Bình trở về quê dùng tất cả tiền bạc dành dụm được làm một nhà nấm nhỏ để làm trồng thử nấm sò. Sau vài lần nấm không chịu mọc, Bình lại chạy hàng chục km xuống thị trấn vào tiệm internet tra cứu cách trồng nấm, gọi điện hỏi những người quen trồng nấm ở Đồng Nai…, và cuối cùng thì những bịch nấm của Bình cũng nảy mầm, mọc sum suê.
Nhưng rồi một khó khăn mới lại nảy sinh khi nấm của Bình làm ra không biết bán cho ai. Thời điểm đó, với những nơi khác nấm trồng đã có mặt trong các bữa cơm hàng ngày của các gia đình nhưng “xó núi” nơi Bình ở thì nấm trồng vẫn rất lạ lẫm. Để bán nấm, chàng trai trẻ sau khi thu hoạch nấm lại dùng xe gắn máy vượt hàng chục Km chở về các chợ lớn ở vùng trung tâm rao bán, vào các nhà hàng để giới thiệu…
Dần dà, món nấm của Bình trồng ra bắt đầu được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Nguồn nấm tự nhà nấm nhỏ sản xuất ra không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên Bình quyết định đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên lúc đó, bố mẹ Bình kịch liệt phản đối vì không thể lấy đâu ra khoản tiền 400 triệu đồng để đầu tư cho trại nấm.
Nhiều người thân, hàng xóm khi biết chuyện cũng nói Bình là “điên” vì bỏ ra một số tiền như vậy để trồng nấm ở cái “xó núi” này thì biết bán cho ai, bao giờ mới thu được vốn. Vì thương con, không muốn làm nhụt ý chí của con, cuối cùng bố mẹ Bình cũng đồng ý “cầm” thẻ đỏ của ngôi nhà đang ở vào ngân hàng để vay tiền cho Bình trồng nấm…
Trồng nấm sạch, không lo đầu ra
Ở trại nấm của Bình, các quy trình sản xuất đều khép kín từ làm phôi đến thu hoạch. Bên trong cơ sở, không ai được hút thuốc lá vì khói sẽ làm thối nấm. Hơn nữa, các loại nấm rất dễ bị sâu ăn nhưng không được sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo sản phẩm sạch. Vì thế, Bình đối phó với sâu bằng cách cho nhện sinh sản tự nhiên bên trong trại để nhện tìm ăn các loại sâu khi chúng tấn công nấm.
Về kinh nghiệm trồng nấm đạt năng suất cao, Bình tâm sự: “Ngoài việc ủ phôi giống phải chất lượng, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo 2 yếu tố là nhiệt độ từ 19 đến dưới 27 độ C; độ ẩm khoảng 90% thì nấm mới phát triển tốt. Do điều kiện khí hậu ở địa phương khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng kéo dài nên để đạt được nhiệt độ, độ ẩm nêu trên tôi phải lắp đặt hệ thống phun sương, tưới nước thường xuyên…”.
Những tai nấm sò sạch tinh khôi trong trại nấm của Bình rất được khách hàng ưa chuộng (ảnh: Phan Phương)
Tại trại nấm của Bình, ngoài nấm sò, anh còn làm thêm nấm rơm để tận dụng nguồn nguyên liệu sẳn có ở địa phương, ngoài ra anh đang nghiên cứu để làm nấm linh chi. Để có thêm người làm, Bình gọi anh trai là Đàm Văn Nghĩa đang đi làm thợ cơ khí về cùng làm nấm. Hiện trang trại nấm của anh Bình đã được mở rộng trên diện tích trên 500m2 với 3 nhà nấm, 1 xưởng ủ bịch phôi (vôi bột, mùn cưa, bông gòn) và một lò hấp với tổng mức đầu tư trên 500 triệu đồng.
Tuy ở nơi “xó núi” nhưng nhờ sản xuất theo quy trình sạch, chất lượng nấm tốt nên 2 năm qua, trại nấm của Bình đã được rất nhiều khách hàng biết đến. Đa số khách hàng đều tìm đến trại nấm của Bình để lấy sỉ, vì thế Bình không phải mang nấm đi bán lẻ từng kg như thời kỳ đầu.
Hiện, trại nấm của Bình trung bình mỗi ngày thu hoạch hơn 15 – 20kg nấm (mùa hè), 30 -40 kg nấm mùa đông, cao điểm lúc nấm nở rộ có ngày lên đến 100kg. Với giá bán từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí Bình thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, Bình còn sản xuất phôi nấm để bán cho bà con xung quanh vùng.