Kỷ lục lạm phát ở VN vượt mọi quốc gia

Kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực kể từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay, theo một nghiên cứu khoa học vừa công bố sáng nay (21-5).

Công trình nghiên cứu của tiến sĩ Đào Văn Hùng, Nguyễn Thạc Hoát và các đồng sự thuộc Học viện Chính sách và Phát triển phát hiện, trong tất cả các giai đoạn 5 năm suốt từ năm 1991 đến năm 2012, Việt Nam đã vượt qua tất cả các nước trong khu vực về một chỉ tiêu đáng buồn là lạm phát.

Công trình được đưa ra tại buổi hội thảo “Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cùng Học viện Chính sách và Phát triển và USAID cho biết, mức lạm phát của Việt Nam lên tới hơn 18% năm 2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như Trung Quốc, Indonesia, Phillippines và Thái Lan.

Quốc gia có lạm phát cao nhất trong hai năm qua là Indonesia, song mức lạm phát của họ cũng chỉ 3,8-5% trong hai năm qua, thấp hơn nhiều so với của Việt Nam.

Tất cả các kỳ 5 năm được chọn để so sánh đều cho xu hướng như trên.

Kỷ lục lạm phát ở VN vượt mọi quốc gia - 1

Lạm phát kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo. Ảnh: TBKTSG Online.

Nghiên cứu cho biết, trong 27 năm từ 1996-2012, Việt Nam có 13 năm và 4 giai đoạn lạm phát trên 2 con số, trong đó đáng kể nhất là từ 1986-1992 với mức lạm phát bình quân ba chứ số 225%/năm; 2007-2008 với 16,3% năm và 2010-1011 với 15%/năm.

Theo tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, kể cả so với Trung Quốc thì lạm phát của Việt Nam cao hơn, trong khi tăng trưởng lại thấp hơn.

Trong giai 2008-2012 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là gần 5,9% năm, và lạm phát là 12,6%; còn Trung Quốc tương ứng là 9,3%/năm và 3,3%/năm.

Trong 20 năm (1991-2010), Việt Nam tăng trưởng bình quân năm khoảng 7,4%, lạm phát gần 11%; thì Trung Quốc tương ứng là 10,5% và 4,8%.

Ông Hồ đặt câu hỏi: “Tại sao trong 20 năm qua họ tăng trưởng gấp đôi ta nhưng lạm phát bằng nửa ta?”.

Chỉ vào đồ thị về diễn biến của lạm phát 1992-2012 tại hội thảo sáng nay, ông Nguyễn Thạc Hoát nói: “Xu hướng biến thiên của đường lạm phát rất phức tạp, biến động mạnh, đỉnh nhọn, biên độ lớn. Điều đó cho thấy kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững; sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh bày tỏ lo ngại, mức lạm phát cao triền miên như vậy đang làm chi phí vốn và chi phí đầu tư kinh doanh ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác.

Ông Sinh cho rằng, các quốc gia khác cho vay lãi suất thấp vì rủi ro vĩ mô của họ thấp, còn Việt Nam thì ngược lại.

Tuy nhiên, thứ trưởng nhận xét, sau một thời gian dài áp dụng các chính sách kinh tế nhằm giảm lạm phát, đến lúc này, doanh nghiệp đã có tâm lý không muốn làm ăn, người dân không muốn mua sắm tiêu dùng nữa.

“Các doanh nghiệp với lãi suất cho vay hiện nay và đầu ra khó sẽ chỉ gửi vốn ngân hàng lấy lãi, hơn là đầu tư kinh doanh. Đây là xu hướng rất nguy”, ông nói.

Ông khẳng định, số lượng doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường là điều rất đáng lo ngại, và đặt câu hỏi: “Liệu nền kinh tế có giữ được không với lãi suất vẫn cứ cao như thế này”.

Tuy nhiên, là một trong những tác giả chính của các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, ông Sinh tỏ ra lo lắng làm sao tìm ra nguồn vốn cho nền kinh tế sôi động lại, nhất là khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm nay (tương ứng với 360.000 tỉ đồng) không thể đạt được.

Tại hội thảo, các nhà kinh tế đề xuất mức lạm phát tối ưu khoảng 7-7,5%/năm trong giai đoạn 2013-2015.

Bên cạnh đó, họ kiến nghị cần có cơ quan phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ độc lập với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tư Hoàng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN