Kỳ công kéo bạc ''vẽ'' tranh hổ đón Tết Nhâm Dần
Tại làng nghề kim hoàn Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), dưới bàn tay tài hoa của người thợ, những bức tranh linh vật hổ bằng bạc đã được thành hình.
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh ở làng Định Công cho biết, ý tưởng cho những bức tranh hổ được anh nung nấu trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội. Từ ý tưởng, anh cùng các đồng nghiệp vẽ phác để định hình sản phẩm.
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh đang thực hiện tranh đậu bạc linh vật hổ
Kế đó, người thợ tiến hành kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc rồi từ những sợi chỉ này tạo thành các đường nét, hoa văn tương xứng sao cho khi ghép nối lại với nhau thành hình “chúa sơn lâm”.
Công đoạn cuối cùng là gắn sản phẩm vào nền và đóng khung. Để sản phẩm không bị bung khỏi nền, người thợ dùng chỉ bạc khâu lại một cách khéo léo sao cho không lộ chỉ nhưng vẫn đảm bảo độ bền chặt. Chưa tính thời gian kéo bạc, người thợ cần 2 - 3 ngày để hoàn thiện một bức tranh hổ.
Từng đường nét được nghệ nhân tinh chỉnh tỉ mỉ
“Mỗi người thợ lại sở hữu một cảm nhận khác nhau, vậy nên sản phẩm khi tạo ra cũng sẽ có sự thay đổi. Đối với tranh hổ đậu bạc, chỉ cần một chút điều chỉnh trong đường nét cũng có thể khiến chú hổ trong tranh mang thần thái khác”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
“Nếu tranh hổ được đặt với mục đích là con cái tặng bố mẹ, chúng tôi sẽ tạo hình hổ hiền hòa, dịu dàng hơn. Nếu bức tranh là món quà mà nhân viên biếu sếp hoặc bạn bè tặng nhau, hình tượng hổ sẽ oai vệ, dũng mãnh. Thậm chí, có cả những bức tranh hổ dành riêng cho các bạn nhỏ”, anh Tuấn Anh tiết lộ.
Cận cảnh hình tượng hổ trên tranh đậu bạc
Tranh hổ thực hiện tại xưởng đậu bạc, làng nghề kim hoàn Định Công (Hà Nội)
Ngoài các sản phẩm tự lên ý tưởng, xưởng đậu bạc cũng nhận làm những sản phẩm thiết kế theo ý khách hàng. Trong quá trình thực hiện, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh và các thợ đậu bạc không tránh khỏi khó khăn khi tiếp nhận những đơn hàng có thiết kế khó, phức tạp.
Nghề kim hoàn ở làng Định Công được xếp vào một trong bốn nghề tinh hoa nhất của đất Thăng Long xưa - "Lĩnh hoa Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xã". Tuy nhiên, theo thời gian, nghề truyền thống này dần mai một.
“Với mong muốn đem quà biếu, tặng, khách hàng gửi gắm rất nhiều tâm tư và ý tưởng vào bản thiết kế. Tuy nhiên, việc thiết kế cho sản phẩm đậu bạc không hề đơn giản. Giữa tranh vẽ và thực hiện sản phẩm có sự khác nhau đáng kể. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện tranh dựa theo thiết kế, chúng tôi luôn có sự linh hoạt để vừa đảm bảo sản phẩm có sự kết dính, toàn diện, nhưng vẫn thể hiện được ý tưởng của khách hàng”, anh Tuấn Anh cho biết.
Bên cạnh sản phẩm tranh hổ, xưởng đậu bạc còn nhận làm nhiều loại tranh hình các linh vật những năm khác như chuột, trâu, rồng,... cùng một số tranh in chữ chúc Tết, cầu bình an.
Tranh hổ đậu bạc giá từ 1 triệu đồng. Giá tranh phụ thuộc vào kích thước, đường nét...
Năm 2022, anh Tuấn Anh cùng những người thợ tại xưởng mong muốn thực hiện mô hình tượng hổ làm từ đậu bạc. Đây không chỉ là sản phẩm để bán, mà còn dùng trưng bày, giúp khách tham quan biết thêm về nghề đậu bạc làng kim hoàn Định Công. Mục đích cuối cùng là để nhiều người biết đến nghề của Định Công và nhiều người sẽ học nghề, theo nghề và làm nghề. Qua đó mà hình ảnh của làng nghề sẽ được quảng bá rộng rãi hơn nữa.
"Chứng kiến làng nghề dần mai một, tôi tự thấy phải có trách nhiệm với việc gìn giữ, khôi phục và phát triển nghề. Tôi sẽ mở rộng việc đào tạo và mở rộng thị trường để tạo đầu ra cho sản phẩm, làm sao để người thợ an tâm làm nghề, có thu nhập ổn định", anh Tuấn Anh nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Vào chính vụ thu hoạch lá dong phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày người dân trồng lá dong Hà Tĩnh có thể...