Tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 khiến cho năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng.
Tuy nhiên, nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản, hàng hoá vẫn được kết nối tiêu thụ, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu từng bước được cải thiện theo hướng tích cực giúp cho cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu lập nên kỳ tích mới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hoá cả năm về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đặt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,7 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo đó, nguyên nhân khiến CPI giảm là do giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,11 điểm phần trăm. Trong đó giá thịt lợn giảm 9,62%; giá thịt gà giảm 0,51%.
Ngoài ra, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng khiến giá điện sinh hoạt bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 1,06% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé máy bay 11 tháng giảm 21,39% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,42%.
Tính đến hết năm, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng tới 18 lần, giảm 5 lần và giữ nguyên 3 lần. Trong đó có giai đoạn lên ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).
Trong 11 tháng năm nay, giá xăng A95 tăng 7.430 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.400 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.010 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 11 tháng tăng 30,32%, làm CPI chung tăng 1,09 điểm phần trăm.
Giá gas cũng có mạch tăng sáu tháng liên tiếp, lên gần nửa triệu đồng một bình 12kg.Trong 11 tháng năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 9 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 11 tháng giá gas tăng 25,34% so với cùng kỳ năm trước.
Giá nguyên liệu đi lên gây hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và hàng quán đứng ngồi không yên, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh mới hồi phục dần sau đợt đóng cửa bốn tháng.
Thị trường ô tô Việt năm 2021 được cho là khá ảm đạm khi doanh số bán ra thị trường có tháng ghi nhận ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ngoài ra, một số hãng xe phải thông báo dừng bán một số mẫu xe, một số thương hiệu cũng rút hẳn khỏi thị trường trong nước.
Cụ thể, vào tháng 8 doanh số bán ra thị trường chỉ đạt 8.884 xe, thấp hơn cả mức doanh số 13.585 xe của tháng 2/2021, là thời điểm thấp đáy của thị trường hàng năm do rơi vào tháng tết Nguyên đán.
Và với doanh số tháng 8 như nêu trên, đây là doanh số ghi nhận kỷ lục thấp nhất trong lịch sử của thị trường ô tô Việt Nam kể từ năm 2015 đến nay.
Nhiều hãng xe trong nước phải thông báo ngừng bán một số mẫu xe với nhiều lý do như: Doanh số thấp, bị khách hàng trong nước “quay lưng”, thiếu nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Một số thương hiệu thậm chí rút hẳn khỏi thị trường trong nước, trong đó có Infiniti (thuộc Nissan), UAZ, Chevrolet…
Năm 2021 được coi là một năm đáng buồn của những người chăn nuôi lợn khi giá thức ăn gia súc liên tục tăng cao nhưng giá lợn hơi lại ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm. Đó là vào thời điểm cuối tháng 10/2021 khi giá lợn hơi ở vào khoảng 32.000-35.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi xuống thấp trong khi giá thức ăn lại tăng 9 lần liên tiếp và tăng từ 30-40% so với năm 2020 khiến giá thành chăn nuôi đội lên rất nhiều so với trước đây. Vì vậy, người nuôi lợn sau khi bán cắt lỗ đã không tái đàn mà bỏ không chuồng trại vì càng nuôi càng lỗ.
Mặc dù vào những tháng cuối năm, lợn hơi đã bắt đầu tăng giá nhưng vẫn chỉ neo ở mức từ 50.000-53.000 đồng/kg. Với giá này, các trang trại chăn nuôi lớn bắt đầu có lãi nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn lỗ.
Năm 2021 có thể được gọi là năm khó khăn chồng chất của thị trường nông sản khi chuỗi tiêu thụ nhiều loại nông sản có hiện tượng đứt gãy cục bộ, nhất là đối với hàng hoá do người dân sản xuất riêng lẻ, tiêu thụ qua thương lái và chợ đầu mối.
Đầu năm, phong trào giải cứu su hào, bắp cải, củ cải ở Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) và Hải Dương diễn ra khắp nơi do ảnh hưởng của Covid-19. Giá bắp cải, cà rốt, su su khi ấy chỉ 2.000 đồng/kg; trứng gà cũng xuống chỉ còn 2.000 đồng/quả; xoài, mít chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg…
Thậm chí, các loại thuỷ, hải sản cũng rớt giá chưa từng có khi cá hồi chỉ còn từ 145.000-165.000 đồng/kg; ốc hương chỉ còn 120.000-130.000 đồng/kg; cua biển Cà Mau chỉ 100.000 đồng/kg…
Đến mùa, chôm chôm rụng đầy vườn không có người thu mua, chỉ còn từ 1.000-2.000 đồng/kg; Mít thái da xanh, thanh long đến kỳ thu hoạch chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg; ớt, chanh thương phẩm chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg…
Cuối năm, đến mùa cam người dân lại rủ nhau đi “giải cứu” với giá chỉ từ 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, mít, xoài, dưa hấu xuất khẩu quay đầu do tắc biên cũng được bày bán với giá rẻ khắp các chợ hoặc đổ bỏ do thối, hỏng.
Thêm vào đó, chi phí lưu thông hàng hoá tăng gấp 3-4 lần so với trước dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng nông dân khó tìm đầu ra, phải bán nông sản với giá thấp nhưng người mua phải trả với giá cao.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng hàng loạt các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài được áp dụng tại các thành phố lớn để phòng ngừa dịch bệnh lây lan đã khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nông dân nằm không thể vận chuyển nông sản, hàng hoá đi tiêu thụ nhưng người dân ở các thành phố lớn lại phải mua với giá cao. Shipper tại các thành phố lớn ngừng hoạt động, người dân ra đường bắt buộc phải có giấy đi đường, đi chợ cũng phải có phiếu.
Sau khi trở về trạng trái bình thường mới, dịch bệnh được kiểm soát, thì chuỗi cung ứng một lần nữa bị đứt gãy nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19 với hơn 5.000 xe container trở nông sản và linh kiện điện tử bị ùn tắc cửa khẩu phía Bắc.
Nguyên nhân được xác định là do phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng nên nhiều xe hàng nằm chờ ở cửa khẩu cả tháng trời không thông quan được đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại hàng chục tỷ đồng.