Kinh tế Trung Quốc bắt đầu hụt hơi

Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” của Trung Quốc đã chựng lại và lao dốc nhanh hơn dự báo.

Tạp chí Foreign Policy, một ấn phẩm của Công ty The Washington Post (Mỹ), đã liệt kê 5 dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn của Trung Quốc - nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Giã từ xe sang

Đầu tháng này, chính quyền thành phố Ôn Châu, tỉnh Triết Giang đã làm một việc chưa từng có: Tổ chức đấu giá bán 215 xe công, thu được 10,59 triệu nhân dân tệ (1NDT = 3.273 đồng), trong đó có nhiều xe xịn hiệu Audi và BMW của Đức (báo Anh The Financial Times tiết lộ ở Trung Quốc trung bình trong 5 xe công có 1 chiếc Audi). Đây là một nỗ lực của chính quyền nhằm cắt giảm chi phí công vì đang bị chính phủ đòi nợ tiếp theo sau đợt bơm 586 tỉ USD tiền kích cầu để các địa phương vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, thành phố này dự định bán 1.400 xe công, tương đương 80% lượng xe công hiện có, từ nay đến hết năm. 20% còn lại vẫn được giữ để phục vụ các cơ quan công an, cảnh sát, tòa án, trường học và bệnh viện. Chúng sẽ được gắn thiết bị GPS (hệ thống định vị toàn cầu) để ngăn ngừa cán bộ dùng xe công đi công việc riêng.

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu hụt hơi - 1

Bán đấu giá xe công ở Ôn Châu ngày 2-7. Ảnh: THX

Nhà giàu chạy ra nước ngoài

Việc buôn bán hàng hóa xa xỉ vốn rất phát đạt trong mấy năm trước, từ đầu năm 2012 đến nay trở nên rất ế ẩm. Điều này không có nghĩa là người giàu ở Trung Quốc ngừng mua sắm. Họ chỉ không mua sắm ở quê nhà. Từ cuối năm ngoái, những người siêu giàu không đầu tư vào tài sản cố định như bất động sản mà quay sang đầu tư vào tài sản chuyển đổi như ngoại tệ. Họ bán cổ phiếu chứng khoán, bán nhà đất đổi lấy tiền mặt chuyển ra nước ngoài.

Đáng chú ý là hiện tượng người giàu di cư ra nước ngoài. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung Quốc và nguyệt san Hồ Nhuận chuyên lập danh sách tỉ phú Trung Quốc hồi cuối năm ngoái phát hiện hơn phân nửa “triệu phú gia” đã hoặc đang có ý định ra nước ngoài sinh sống và làm ăn.

Đặc biệt, hiện tượng quan chức nhà nước đưa vợ con và chuyển tiền ra nước ngoài ngày càng phổ biến. Theo nguồn tin Viện Kiểm sát Trung Quốc, trong 12 năm qua, đã có 18.487 quan chức bị bắt khi mưu toan chạy ra nước ngoài với tài sản phi pháp.

Mùa hè nóng bỏng

Những mùa hè năm trước, các nhà máy điện hoạt động hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu. Mới năm ngoái thôi, chính phủ đã chạy đôn chạy đáo trữ than đá đề phòng thiếu hụt điện. Người dân cũng mở máy lạnh hết cỡ để xua tan cái nóng kinh người của mùa hè. Năm nay, các hải cảng chất cả núi than đá vì không có nơi tiêu thụ mặc dù giá đã giảm 10% từ cuối năm ngoái. Nhu cầu điện trong nước sụt giảm mạnh do các nhà máy và công ty tiêu thụ điện ít vì sản xuất kinh doanh ế ẩm. Người dân cũng hạn chế dùng máy lạnh để khỏi phải è cổ trả tiền điện.

“Trứng rốc-két”

Giá thịt heo giảm mạnh nhưng giá trứng vọt nhanh như tên lửa là 2 sự kiện nói lên nhiều điều. Năm 2007, người dân Trung Quốc tiêu thụ mỗi ngày 1,7 triệu con heo. Năm 2011, giá thịt heo tăng 57%. Nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, giá heo hơi giảm rất mạnh, người chăn nuôi heo đứng trước nguy cơ sạt nghiệp khiến chính phủ tăng cường mua heo để bình ổn giá.

Giá trứng ngược lại hoàn toàn. Tốc độ tăng giá quá nhanh khiến người bán trứng đặt luôn cái tên “trứng rốc-két”. Đây là dấu hiệu người tiêu dùng trong nước mất niềm tin sau hàng loạt vụ xì-căng-đan thực phẩm độc hại. Họ bắt đầu ăn rau củ tự trồng, hạn chế ăn thịt và dùng nhiều trứng là thứ có vẻ như an toàn nhất.

Bất ổn xã hội

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng cảnh báo từ lâu rằng suy thoái kinh tế tất yếu dẫn đến bất ổn xã hội. Mấy chục năm qua, kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển khiến người dân hài lòng. Nhưng khi GDP quý I năm nay xuống còn 8,1% và còn chiều hướng giảm thêm vào cuối năm thì hàng triệu người lao động nhập cư vào các thành phố lớn đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Và họ có thể làm loạn vì một chuyện nhỏ nhưng nhạy cảm. Đó là trường hợp cuộc xô xát hồi cuối tháng 6 giữa hàng trăm người dân thị trấn Sa Khê, tỉnh Quảng Đông - nơi có 40.000 công nhân ngành may, đa số là dân nhập cư - và hàng trăm lao động nhập cư với lý do cảnh sát bắt giữ và đánh chết con của một người nhập cư sau khi cậu này ẩu đả với con một người dân địa phương. Cuộc chạm trán dẫn đến 2 đêm bạo loạn đốt xe. Chính quyền địa phương đã triển khai hàng trăm cảnh sát chống bạo động dẹp loạn thẳng tay.

Có dấu hiệu suy thoái

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý I năm nay đạt 8,1%. Đối với nhiều nước phát triển và đang phát triển, đây là một con số của mơ ước. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn mạnh mẽ nữa. Các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng giảm mạnh. Lãi suất ngân hàng bị cắt giảm bất ngờ 2 lần trong tháng. Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 năm nay giảm 50%, chứng tỏ nhu cầu trong nước đang giảm với tốc độ chóng mặt. Đầu tư xây dựng cũng giảm mạnh.

Các dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới đều dè dặt. Thậm chí, một số chuyên gia nhận định rằng kinh tế Trung Quốc đang suy thoái. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt chỉ tiêu GDP cả năm 2012 là 7,5%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cao (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN