Kinh hoàng độc tính hàng Trung Quốc (kỳ 2)

Trung Quốc đặt mục tiêu tới năm 2015 trở thành thị trường sản phẩm y tế lớn nhất toàn cầu. Nhưng với những vụ bê bối độc hại liên tiếp xảy ra, uy tín hàng hóa Trung Quốc đã tổn hại nghiêm trọng. Chính quyền đối phó ra sao và phản ứng của người tiêu dùng trước thực trạng mất an toàn thực - dược phẩm như thế nào?

Tham vọng đứng đầu

Những vụ bê bối liên tiếp về thực phẩm bẩn, dược phẩm độc hại đã làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Người dân Trung Quốc trở nên cảnh giác hơn và luôn sống với nỗi lo bị ngộ độc. Họ lập ra nhiều blog và trang web để cảnh báo về thực phẩm độc hại.

Sau vụ sữa nhiễm độc melamine năm 2008, ngành công nghiệp sữa Trung Quốc đã bị thất bại thảm hại trong khi các đại gia nước ngoài như Abbott, Danone, Mead and Johnson… ngay lập tức nắm thời cơ và nhảy vào thao túng thị trường béo bở trị giá chục tỷ USD này.

Tại Hoa Kỳ và châu Âu, sự cảnh giác nghi ngờ đã lên tới cao độ dẫn đến nhiều lệnh cấm và giới hạn các sản phẩm Trung Quốc như hải sản, bánh trung thu…

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh đã làm nhiều nước e ngại, những tin tức xấu về an toàn thực phẩm được truyền thông phương Tây khai thác triệt để như một cách làm suy yếu vị thế của Trung Quốc, đến mức chính người dân Hoa Kỳ cũng phải bất mãn khi thấy báo chí của họ dường như phớt lờ vụ bê bối dược phẩm trong nước, nhưng lại đăng tải quá nhiều về các vụ bê bối Trung Quốc.

Tương tự như truyền thông Hàn Quốc đã làm ầm lên vụ thuốc bào chế bằng thịt trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc.

Nắm bắt tâm lý khách hàng lo sợ tác dụng phụ của những sản phẩm sử dụng tá dược hóa chất, các nhà sản xuất Trung Quốc đã ra rả quảng cáo nhấn mạnh vào yếu tố thảo dược thiên nhiên và những phương thuốc cổ truyền để chiêu dụ khách. Doanh số các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Trung Quốc tăng nhanh, từ 28,5 tỷ NDT năm 2001 lên 100 tỷ NDT năm 2010.

Năm 2011, tính riêng các loại thực - dược phẩm đã bán được hơn 260 tỷ NDT tại Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 145 triệu USD sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tăng 62,28% so với năm 2010 nhưng xuất khẩu lên tới 206 triệu USD, tăng 114,96% với các thị trường chủ yếu là Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong lúc các sản phẩm hàng hóa khác của Trung Quốc bị dội chợ vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì ngành dịch vụ và sản phẩm y tế lại tăng tốc. Phòng Thương mại xuất nhập khẩu thuốc và sản phẩm y tế Trung Quốc tuyên bố ngành công nghiệp này vẫn là một trong những thành phần năng động nhất của ngoại thương Trung Quốc.

Dự tính giá trị sẽ đạt tới 450 tỷ NDT (hơn 70 tỷ USD) vào năm 2015, đưa Trung Quốc trở thành thị trường sản phẩm y tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nghi án thuốc bột thịt trẻ em xảy ra khiến người ta ghê sợ cái gọi là thuốc cổ truyền Trung y và có thể sẽ làm Trung Quốc hụt mục tiêu.

Chỉ giải quyết phần ngọn

Trước thực trạng hàng loạt tai tiếng về an toàn thực phẩm xảy ra gần đây, chính quyền Trung Quốc đã có những hành động quyết liệt. Năm 2009, luật mới về an toàn thực phẩm được thông qua.

Trong năm 2011, nhiều chiến dịch thanh tra, kiểm định các mặt hàng thuốc và thực phẩm đã được tiến hành, qua đó phát hiện và ngăn chặn rất nhiều sản phẩm độc hại.

Kinh hoàng độc tính hàng Trung Quốc (kỳ 2) - 1

Những vụ bê bối kinh sợ đã gây ra khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng đối với thực - dược phẩm Trung Quốc.

Từ năm 2013 quy định mới bắt buộc phải ghi chi tiết thành phần cấu tạo trên nhãn thực phẩm. Tuy nhiên, do có quá nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm như Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế, nên ai cũng tìm cách né tránh trách nhiệm.

Dư luận vẫn hết sức bất bình vì Cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm dược phẩm vẫn chưa chịu từ chức sau vụ bê bối thuốc con nhộng vào năm ngoái.

Tham nhũng cũng là mối đe dọa chính: Trong các vụ bê bối về an toàn thực phẩm, bị kết án trước tòa không chỉ có những thương lái bất lương, mà luôn có quan chức nhà nước.

Đây là bằng chứng cho thấy sự tắc trách và tham nhũng là môi trường thuận lợi cho những hành vi gian ác dễ dàng nảy sinh. Trong vụ bê bối thịt heo chứa chất tạo nạc cenbuterol đã có các thanh tra thú y, an toàn thực phẩm bị phạt tù.

Tại Trung Quốc có khoảng cách khá lớn giữa các văn bản luật và sự hành xử trên thực tế. Mặc dù việc sử dụng chất clenbuterol trong chăn nuôi đã bị cấm từ những năm 90, những chủ nông trại vẫn sử dụng chất tạo nạc này và gây ra vụ scandal lớn năm 2011.

Khi mọi việc vỡ lở cơ quan pháp luật chỉ còn cách duy nhất là trừng phạt thật nặng để răn đe, trong đó kẻ chủ mưu bị tử hình, kể cả quan chức đứng đầu Cục Quản lý thuốc và thực phẩm. Nhưng thực tế cho thấy cách làm này chỉ giải quyết được phần ngọn, vì tư tưởng hám lợi, liều lĩnh đã lan rộng trong xã hội chứ không chỉ ở một nhóm người.

Hơn nữa, sự nghiêm khắc của luật pháp khiến bọn tội phạm hoạt động ngày càng manh động và nguy hiểm hơn. Như năm 2011 nhà báo Lý Tường tại Lạc Dương bị ám sát vì đã lên tiếng về vụ sản xuất dầu ăn bẩn, hay vụ phóng hỏa nhà máy sản xuất gelatin để thủ tiêu chứng cứ sau scandal thuốc con nhộng.

Nhìn chung chính quyền Trung Quốc phản ứng bị động trước tình hình vi phạm an toàn thực phẩm. Những vụ việc nghiêm trọng được phơi bày ra ánh sáng đều khởi nguồn từ báo chí và phản ánh của dư luận, hoặc sau một cảnh báo của nước ngoài.

Khi đó tình thế đã quá muộn, hậu quả càng rộng lớn nên tổn thương càng nặng cho ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm có liên quan, do mất niềm tin của người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trúc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN