Kinh hoàng độc tính hàng Trung Quốc (kỳ 1)

Trong thời gian gần đây, thế giới lại một phen chấn động khi Hàn Quốc khui ra nghi án thuốc bào chế từ thịt người xuất xứ Trung Quốc. Vụ bê bối này thật ra chỉ nối tiếp câu chuyện dài không bao giờ kết thúc về tính "kinh hoàng" của hàng hóa Trung Quốc. Tại sao một quốc gia lớn và phát triển nhanh về kinh tế như Trung Quốc lại phải đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin nặng nề của người tiêu dùng toàn cầu như hiện nay?

Không chờ đến vụ bê bối sữa dành cho trẻ em bị nhiễm độc Melamine năm 2008, hay vụ vỏ thuốc con nhộng bằng gelatin công nghiệp năm 2012, thế giới mới báo động về độc tính của sản phẩm Trung Quốc. Ngoài thuốc men và thực phẩm vốn là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hóa chất độc hại còn xuất hiện ở nhiều sản phẩm khác như đồ chơi, quần áo và mỹ phẩm của Trung Quốc.

Bí truyền và độc hại

Những phát hiện đáng ngại về sản phẩm Trung Quốc tiềm ẩn chất độc hại ngày càng phổ biến, đến mức chúng trở nên một điều bình thường trên phương tiện truyền thông. Ngoài thuốc men và thực phẩm vốn là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hóa chất độc hại còn xuất hiện ở nhiều sản phẩm khác như đồ chơi, quần áo và mỹ phẩm của Trung Quốc.

Hiện tượng này do nhiều nguyên nhân kết hợp như khoa học kỹ thuật kém phát triển, sự suy thoái đạo đức - nhất là do lòng tham được dung dưỡng bởi sự yếu kém trong quản lý của hệ thống công quyền, trong đó có tệ nạn tham nhũng.

Các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe bản thân nó là thành quả của một quá trình nghiên cứu khoa học liên tục. Tại các nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển, việc phát minh, sáng chế ra một hóa chất hay dược phẩm luôn song hành với những nghiên cứu về tính an toàn của chất đó trên sinh vật.

Một nước có khoa học càng phát triển thì những quy tắc về an toàn sức khỏe càng nghiêm ngặt để bảo vệ cho người dân của họ. Tư duy khoa học này chưa phổ biến tại Trung Quốc, nơi quy trình sản xuất thực-dược phẩm vẫn còn tiến hành theo kinh nghiệm, mánh lới dân gian và bí truyền. Với hiểu biết ấu trĩ, người ta chỉ cần biết công dụng của một chất hóa học X nhưng lại mù mờ về nguy cơ, tác dụng phụ của nó.

Thí dụ vụ kết hợp natri, urê, thuốc tăng trưởng để làm giá mau lớn tại Liêu Dương năm 2011 có khả năng gây ung thư. Tương tự, chỉ vì muốn rau cải tươi lâu mà nông dân ở Sơn Đông đã phun formaldehyde bừa bãi.

Cách làm ăn gian dối thể hiện qua động cơ đi ngược lại các quy luật tự nhiên để thu lợi nhuận, như vụ pha chất clenbuterol vào thức ăn để tăng nạc cho lợn vào năm 2011 là âm mưu giữa thương lái hóa chất thông đồng với những chủ trang trại chăn nuôi để thu lợi tới 6,4 triệu NDT, bất chấp hậu quả bệnh hô hấp, tim mạch cho người tiêu dùng.

Kinh hoàng độc tính hàng Trung Quốc (kỳ 1) - 1

Hàn Quốc khui ra vụ bê bối thuốc làm bằng bột thịt trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc

Nguy hiểm bủa vây

Chính xã hội và người tiêu dùng cũng chịu một phần trách nhiệm khi tiếp tay tiêu thụ cho các sản phẩm độc hại. Người ta tự hỏi tại sao thực phẩm từ Trung Quốc có nguy cơ nhiều hơn? Có thể thói quen ăn uống cầu kỳ, màu mè và nhiều gia vị của dân tộc Trung Hoa cũng góp phần cổ súy cho việc pha trộn các phụ gia, hóa chất kỳ dị vào thực phẩm.

Trong số những hóa chất này có thể kể tới phẩm màu công nghiệp trong gia vị món lẩu, chất tẩy trắng hydrogène peroxyde, sodium nitrit dùng trên thịt lợn, bột ướp “Vua Loài thịt” màu đỏ tươi có tác dụng gây nghiện…

Quy trình kiểm nghiệm còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân bỏ sót những chất độc hại trước khi chúng bị phát hiện bởi những nước có khoa học tiên tiến hơn. Hiện tượng hải sản Trung Quốc bị cấm nhập cảng vào Hoa Kỳ và Châu Âu vì có dư lượng vài loại kháng sinh, thuốc trừ sâu vượt mức cho phép là thí dụ.

Gần đây nhất, tổ chức Hòa bình Xanh đã bất ngờ công bố rằng nhiều loại trà xuất xứ từ Trung Quốc có chứa methonyl. Với sự phát triển công nghiệp như hiện nay, việc gây ô nhiễm cho nguồn nước và cây trồng là điều khó tránh khỏi. Những vụ thực phẩm nhiễm độc kim loại gồm có gạo nhiễm cadmium, bột bánh bao chứa nhôm, tảo biển nhiễm chì, thạch tín, thủy ngân…

Nguyên nhân thứ hai là lòng tham. Với tư duy hám lợi nhuận, những kẻ bất lương đã chà đạp lên những giá trị đạo đức cơ bản, xem lợi nhuận quan trọng hơn cả chữ tín và thương hiệu, xem thường sức khỏe của người dùng. Sự bất lương trong kinh doanh thực phẩm tại Trung Quốc thường thể hiện dưới 2 hình thức : một là làm giả hoàn toàn hàng hóa, hai là sử dụng mọi phương kế để giảm vốn đầu tư, thu lợi nhuận tối đa.

Những phát hiện về thực phẩm giả có thể làm mọi người kinh ngạc: từ tinh vi như trứng gà giả, măng tre làm từ gỗ, mật ong giả, nước tương chế từ tóc người, cho tới trắng trợn như quả óc chó giả có nhân bằng đá sỏi hay gạo bằng nhựa plastic.

Trong đợt truy quét hàng giả tháng 11-2011, cảnh sát đã thu giữ lượng thuốc giả khổng lồ trị giá tới hơn 300 triệu USD trên nhiều tỉnh thành, trong đó có những thuốc trị bệnh ung thư, hen suyễn, viêm khớp và cao huyết áp, thậm chí cả vắc-xin. Sử dụng những thuốc giả này gây độc cho gan, thận và tiêu hóa.

Với mục đích “nhất bổn vạn lợi”, những nhà sản xuất bất chính ở Trung Quốc không từ thủ đoạn nào để thay thế những nguyên liệu thực phẩm vốn có giá thành cao bằng những hóa chất công nghiệp có giá rẻ hơn nhưng độc hại chết người.

Cách làm ăn này là tiền đề phát sinh những vụ việc chấn động như đường dây sản xuất dầu ăn từ chất thải cống rãnh năm 2011 ở Hà Nam, Chiết Giang, Sơn Đông. Sau vụ sữa của công ty Tam Lộc nhiễm melamine bị phát giác và trừng trị nghiêm khắc hồi năm 2008, vẫn còn những kẻ liều lĩnh tiếp tục cách làm ăn bất chính này.

Cho đến năm 2011 chính quyền Thanh Hải, Trùng Khánh vẫn còn phát hiện sữa nhiễm melamine. Nguy hiểm hơn là từ năm 2009 đến nay còn có thêm loại sữa trộn gelatin công nghiệp có chứa chromium gây ung thư, chất này còn khó phát hiện hơn cả melamin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trúc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN