Kinh doanh vỉa hè kiếm.. tiền triệu/ngày

Hà Nội có những con phố "vàng" khi mà mỗi mét vuông của nó được xếp vào hạng đắt nhất thế giới. Những con phố này, mỗi mét vuông vỉa hè dù không được kinh doanh nhưng chỉ cần lấn được vài mét vuông cũng khiến người ta kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Vì vậy mà, hễ có cơ hội là người ta lấn chiếm khiến những con phố "vàng" trở thành... phố "mất" vỉa hè.

Vì thế, lợi ích thì rơi vào túi cá nhân, còn bộ mặt giao thông đô thị của Thủ đô thì lôm nhôm, vá víu khi đường dành cho người đi bộ bị chiếm, giao thông vốn ách tắc càng thêm... tắc nghẽn.

Những con phố "không vỉa hè"

Con phố điển hình cho tình trạng "không vỉa hè" chính là phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội. Phố này dài chưa đến 2km thế nhưng từ khoảng 17h chiều trở đi, vỉa hè của phố Chùa Bộc được biết đến như một cái chợ di động. Mỗi ông chủ, bà chủ của các quầy hàng này lại chuẩn bị sẵn một tấm vải bạt hay nilông đến giờ là trải xuống vỉa hè để trưng bày "thập cẩm" đủ các loại hàng hoá quần áo, túi xách, thắt lưng… "ăn trọn" phần vỉa hè một cách hết sức ngang nhiên.

Thậm chí, để tiện cho công việc kinh doanh, các chủ quầy hàng còn tận dụng cả cột điện làm nơi treo móc hàng hoá. Ai đến sớm thì mang bày bán hàng gần mặt đường hơn, còn ai đến muộn phải bày bán ở phần vỉa hè bên trong. Khách vào mua hàng để xe la liệt dưới lòng đường khiến cho giao thông tại con phố này vốn đã hay xảy ra ùn tắc lại càng thêm tắc nghẽn bởi những quầy bán hàng di động.

Đường Láng, Hà Nội từ lâu cũng được biết đến là một trong những địa chỉ "siêu thị mặt đất" quen thuộc với đầy đủ các loại hàng hoá. Theo ghi nhận của PV đoạn đường dài chưa đầy 1km từ cầu Trung Hòa đến Cống Mọc (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cứ cách 2-3m là có một chiếc bạt được trải rộng. Trên đó họ bày la liệt các hàng hóa đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chủng loại, và chất lượng thì "miễn bàn".

Kinh doanh vỉa hè kiếm.. tiền triệu/ngày - 1

Vỉa hè bị lấn chiếm kinh doanh hàng quán. (Ảnh minh họa).

Đếm qua cả đoạn đường cũng trên dưới 50 quầy hàng gồm: quần áo, giầy dép, tranh ảnh... án ngữ, chẳng kém gì một "siêu thị". "Siêu thị" này thường hoạt động nhộn nhịp nhất vào khoảng 15h chiều và kéo dài đến 22h tối. Người tham gia giao thông qua đoạn đường này, ai cũng muốn ngó nghiêng, người mua kẻ bán dừng xe ngổn ngang lấn chiếm 2/3 lòng đường. Giờ tan tầm, tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên do khách vào mua hàng ngang nhiên dựng xe dưới lòng đường.

Đường dạo ven Hồ Tây được đầu tư xây dựng với kinh phí khổng lồ (lên tới hàng nghìn tỷ đồng), nhằm tạo một con đường dành cho người đi bộ và phát triển du lịch xung quanh hồ. Nhưng từ khi đưa vào sử dụng đến nay, nó đã bị các hàng quán ven hồ bung ra và chiếm lấy vỉa hè. Những cái tên như "Quán chém gió vỉa hè", "Nhà hàng hải sản", "Cà phê Ngõ vắng"… đua nhau mọc lên. Không những lấn chiếm một bên vỉa hè, người ta còn ngang nhiên chiếm nốt phần vỉa hè còn lại bên hồ, kê bàn ghế, để xe máy và xả rác ngay xuống các thảm cỏ, vườn hoa nơi hàng ngày công nhân của Công ty cây xanh Hà Nội đều phải nỗ lực chăm bón cho tươi tốt.

Được biết, để thuê một gian hàng 20m2 ở đường dạo ven Hồ Tây, người kinh doanh phải trả trên dưới 10 triệu đồng. Việc lấn chiếm vỉa hè vì thế càng tăng tốc phát triển để thu lời. Lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh ở đây đã biến nhiều đoạn của đường dạo ven Hồ Tây mất lối đi của người đi bộ.

Phố cổ: Lấn chiếm vỉa hè… "vàng"

Không chỉ những phố có vỉa hè rộng mà tại nhiều tuyến phố cổ ở Hà Nội, những vỉa hè có chiều rộng chỉ khoảng 3m nhưng cũng bị lấn chiếm tràn lan để kinh doanh buôn bán khiến bộ mặt phố cổ trở nên nhếch nhác. Vỉa hè phố Nhà Thờ, Nhà Chung của Hà Nội những ngày nắng nóng càng thêm chật chội. Cứ khoảng 16h chiều trở đi, gần chục quán trà chanh bung ra lấn chiếm hết lối đi của người đi bộ. Vốn liếng bỏ ra không nhiều, với vài chục chiếc ghế nhựa vừa làm bàn, vừa làm ghế là các chủ quán đã "kéo" được hàng chục thực khách đến thưởng trà vừa nhâm nhi ly trà chanh vừa ngắm phố phường Hà Nội.

Từng đoàn khách phần lớn là các nam thanh, nữ tú đi trên những chiếc xe máy đắt tiền nườm nượp kéo đến. Vỉa hè chẳng còn đâu cho người đi bộ. Nhiều du khách nước ngoài vừa đi dưới lòng đường vừa đưa ánh mắt ngạc nhiên lên đám đông đang ngồi trên vỉa hè uống trà thản nhiên vứt bừa bãi vỏ hạt hướng dương, đầu lọc thuốc lá xuống vỉa hè…

Phố Tạ Hiện vốn rộng rãi là thế nhưng cứ bắt đầu từ khoảng 17h trở đi, tuyến phố này lại "đột xuất" bị thu hẹp bởi lẽ các hộ dân lấn chiếm hầu như toàn bộ vỉa hè lẫn lòng đường để bán trà chanh, trà đá... Tại phố Hàng Buồm, vỉa hè cũng không còn chỗ dành cho người đi bộ khi các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo bày bán tràn lan hàng hoá. Phố Hàng Dầu, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng xảy ra tương tự. Các hộ kinh doanh giày dép ngang nhiên bày bán lấn chiếm gần hết cả vỉa hè, chỉ còn lại một lối đi rất nhỏ cho những người đi bộ.

Đã từng có thời điểm, một mét vuông đất tại phố cổ Hà Nội được người ta hét với giá "cắt cổ" cả tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận thì việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán lại đang bị thả nổi, không ai quản lý. Hàng quán cứ mặc sức bung ra vỉa hè. Nguồn lợi rơi vào túi các tư thương mỗi ngày từ việc kinh doanh vỉa hè lên đến con số tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Trong khí đó, bộ mặt đô thị Hà Nội ngày càng trở nên nham nhở, vá víu và nhếch nhác gây bức xúc trong dư luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hằng - N.Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN