Kinh doanh gas rối vì luật thiếu nhất quán

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngành gas từ chỗ bị siết quá chặt chuyển sang "mở" quá mức có thể khiến thị trường gas hỗn loạn

Trong tờ trình gửi Chính phủ về giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ liên quan đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí, Bộ Công Thương nhấn mạnh quan điểm đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đang là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN).

Lo "cá nhỏ rỉa cá lớn"

Theo dự thảo lần thứ 6 của nghị định thay thế Nghị định 19/2016, các điều kiện kinh doanh chỉ tập trung đến an toàn, phòng chống cháy nổ. Những điều kiện liên quan đến quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, về thiết lập hệ thống phân phối - tức các điều kiện đòi hỏi chi phí đầu tư lớn đều được bãi bỏ. Điều này có nghĩa là các DN đã đầu tư hàng trăm tỉ vào kho chứa, vỏ bình theo quy định trước đây có nguy cơ thua lỗ vì thị trường sẽ bị chia nhỏ bởi sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư mới khi số vốn đầu tư ban đầu không quá lớn như trước đây.

Kinh doanh gas rối vì luật thiếu nhất quán - 1

Các ý kiến đều cho rằng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí vẫn có nhiều bất cập, có thể gây hỗn loạn thị trường gas Ảnh: Tấn Thạnh

Cách đây không lâu, các DN gas lớn đã từng phản đối quyết liệt việc bỏ điều kiện vì lo ngại "cá nhỏ rỉa cá lớn" nhưng gần đây, các DN đã chấp nhận quan điểm bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả DN. Theo ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dầu khí AnPha, ở giai đoạn hiện nay, mục tiêu trong quản lý ngành gas là an toàn cho người tiêu dùng và xã hội, còn quy mô đầu tư, hệ thống phân phối nên để cho DN tự quyết định. Tuy nhiên, một điều DN quan tâm là cần pháp luật bảo vệ quyền sở hữu chính đáng đối với vỏ bình gas, vấn đề này dự thảo nghị định chưa nhắc đến.

Có cắt giảm nhầm?

Về hệ thống phân phối, dự thảo nghị định đã bỏ hình thức tổng đại lý/đại lý khiến Bộ Tài chính đưa ra đề nghị phải đánh giá tác động, phương án sắp xếp, xử lý đối với hình thức này do đây là hệ thống phân phối đã tồn tại hợp pháp từ lâu. Giải trình về việc này, Bộ Công Thương cho rằng hệ thống phân phối từ thương nhân đầu mối qua hệ thống tổng đại lý và qua đại lý rồi qua các cửa hàng sẽ tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho DN. Quy định buộc các thương nhân đầu mối phải có tổng đại lý hoặc đại lý để phân phối các sản phẩm của mình đến người tiêu dùng làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh khiến sản phẩm đến người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi chất lượng và giá cả. Mặt khác, qua nhiều tầng nấc là thương nhân phân phối và tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ gas bình sẽ tạo ra nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các loại hình trên.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gas Thanh Bình, quan điểm cho rằng việc bình gas qua mỗi khâu trung gian làm tăng giá bán mới nghe qua tưởng hợp lý nhưng thực tế lại không đúng. "Tại TP HCM có hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ gas với sản lượng khá nhỏ từ vài bình đến vài chục bình/ngày. Nếu các cửa hàng phải lấy hàng trực tiếp từ kho DN thì chỉ có thể sắm xe ba gác để chở vì không thể đầu tư xe tải đạt chuẩn để lấy hàng. Trong khi các tổng đại lý và đại lý giao nhận hiệu quả hơn DN đầu mối mà không làm đội giá thành bình gas" - ông Bình phân tích.

Ông Trần Minh Loan cũng có nhận xét tương tự khi thực tế gas AnPha vừa bán qua tổng đại lý vừa bán trực tiếp đến cửa hàng nhưng giá cuối cùng đến người tiêu dùng như nhau. "Tùy theo từng địa bàn mà DN chọn phương thức phân phối phù hợp và có hiệu quả nhất, không làm ảnh hưởng đến giá cả đến người tiêu dùng" - ông Loan nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Thà, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết quan điểm của hiệp hội là nên giữ ổn định hệ thống phân phối như quy định hiện nay. "Tình trạng chiếm dụng vỏ bình, cắt quai, mài vỏ thời gian qua rất nhiều nhưng dự thảo nghị định lần này vẫn bỏ ngỏ khi không quy định về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu các bình gas. Rõ ràng vỏ bình gas là của các công ty gas, điều này đã thể hiện trên nhãn mác nhưng khi các cơ quan thực thi như công an, quản lý thị trường xử lý các vụ chiết nạp gas lậu lại áp dụng điều khoản tịch thu sung công quỹ". 

Lãng phí lớn

Đại diện một tổng đại lý gas tại TP HCM cho biết hiện vỏ bình gas thừa so với nhu cầu thị trường. Vì vậy, nhiều công ty gas không muốn thu hồi vỏ bình gas của mình từ đại lý, tổng đại lý để trả lại tiền ký cược. Chi phí để sản xuất một vỏ bình mới từ 350.000 - 400.000 đồng/bình nhưng tiền cược khi bán bình gas chỉ từ 200.000 -250.000 đồng/bình. Khi các công ty gas không thu hồi thì có một số đầu nậu thu gom với giá từ 140.000-160.000 đồng/bình, sau đó bán qua Campuchia. Tại Campuchia, vỏ bình gas được người dân mang đến trạm để bơm mà không cần qua hệ thống các công ty. Điều này gây một sự lãng phí lớn cho xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN