Kinh doanh gas khổ sở vì quy định bất hợp lý
Việc theo dõi, quản lý bình gas bằng lập sổ theo dõi không phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí và tốn kém không cần thiết.
Nhiều công ty, đại lý, cửa hàng kinh doanh gas than thở từ khi Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí có hiệu lực thi hành từ năm 2018 đến nay, họ đã khổ sở vì quy định lập sổ theo dõi vỏ chai gas. Thế nhưng tới đây, nhà kinh doanh gas sẽ còn bị phạt nặng hơn nếu không chấp hành quy định trên. Điều này khiến giới kinh doanh gas bức xúc.
Không thể áp dụng vào thực tiễn
Đại diện nhiều đơn vị kinh doanh gas bày tỏ ủng hộ Bộ Công Thương về việc quản lý thị trường bình gas nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quy định phải lập sổ ghi chép theo dõi vỏ chai khiến họ gặp vô vàn khó khăn, không thể thực hiện được.
Cụ thể, Nghị định 87/2018 quy định: Doanh nghiệp phải lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi bình gas bán cho thương nhân kinh doanh gas khác, hoặc khách hàng sử dụng phải có đầy đủ thông tin về chủ sở hữu; loại bình gas, số sêri, hạn kiểm định trên bình gas; tên và địa chỉ thương nhân mua, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận gas…
Ông Nguyễn Lân, chủ một tổng đại lý gas tại TP.HCM, cho rằng việc lập sổ theo dõi bằng ghi chép thủ công hay áp dụng công nghệ công ty đều đã thử làm nhưng không cách nào thực hiện được và không hiệu quả. Lý do là bình gas không giống với những mặt hàng khác.
Thứ nhất, trọng lượng bình gas nặng đến 26 kg, gồm cả vỏ và nước gas. Mỗi ngày trung bình tổng đại lý của ông nhập kho khoảng 1.000 bình gas và phải có nhiều người gồm bốc vác, người đọc số sêri… trên từng bình cho người nhập liệu chứ một vài người làm không xuể. Công việc này rất vất vả, mất thời gian, tốn kém và làm tăng thêm chi phí rất nhiều.
Mặt khác, một tổng đại lý không chỉ bán cho một mà nhiều đại lý, cửa hàng khác nhau. Chẳng hạn khi xuất bán 100 bình gas cho bốn đơn vị, tài xế sẽ sắp xếp vị trí trên xe để đến địa chỉ nào trước, sau. Khi đến giao hàng, tài xế phải đối chiếu lại thông tin bình gas đại lý ghi chép. Nếu thực hiện đúng quy định sẽ mất rất nhiều thời gian, gây ách tắc giao thông, chưa kể nếu gặp bình gas số sêri bị mờ thì việc ghi chép không chính xác. Do đó, việc lập sổ theo dõi vừa lãng phí vừa không cần thiết.
“Bình thường một ngày tôi xuất bán 300 bình gas với ba chuyến xe nhưng nếu áp dụng ghi chép thủ công chỉ bán được 100 bình gas/ngày. Tôi cũng đã làm thí điểm trong vòng 10 ngày nhưng không ổn vì tài xế kêu trời kêu đất do áp lực rất lớn trong giao hàng” - ông Lân nói.
Việc tạm dừng lập sổ theo dõi vỏ chai gas sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, tiết kiệm chi phí. Ảnh: TÚ UYÊN
Ông Trần Minh Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha, cũng cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lập sổ theo dõi bình gas như gắn chip, in mã vạch, in số hiệu trên vỏ bình gas... khiến công ty phát sinh thêm 50% lao động hiện có để quét dữ liệu từng bình gas.
Thêm vào đó, đặc thù của bình gas định kỳ thường sáu tháng đến một năm được bảo dưỡng và sơn lại. Trong quá trình này, bề mặt bình gas cần làm sạch bằng cách đốt lớp sơn cũ hoặc phun cát làm sạch lớp sơn cũ. Mỗi lần như vậy công ty phải in lại mã vạch, số hiệu mới theo thông tin cụ thể từng bình gas... nên rất tốn chi phí.
Giải pháp sử dụng gắn chip điện tử cho từng bình gas chi phí cũng khá lớn, không khả thi. “Ngoài ra, do đặc thù phải bảo dưỡng sơn lại, khi đốt lớp sơn cũ với nhiệt độ 500-600 độ C, các con chip dễ bị hư. Nên ngoài chi phí ban đầu, hằng năm các thương nhân phải bỏ ra khoản chi phí lớn để thay thế chip mới mà lại không khả thi” - ông Loan khẳng định.
Nhiều công ty, đại lý kinh doanh gas khác cũng cho biết tương tự. Họ khẳng định buộc phải chấp nhận xử phạt và thậm chí có cơ sở bị đình chỉ kinh doanh nhưng đành chịu vì không thể thực hiện theo quy định được dù có cố gắng đến mấy.
Áp dụng giải pháp khác hiệu quả hơn
Ông Đoàn Trọng Thà (Trưởng Ban chống buôn lậu và gian lận thương mại, Hiệp hội Gas Việt Nam) cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin làm phát sinh chi phí đối với các đơn vị kinh doanh rất lớn, ước tính riêng khoản đầu tư ban đầu đã lên đến 400 tỉ đồng. Tuy nhiên từ sáu tháng đến một năm, các công ty gas lại phải tiếp tục đầu tư mới. Như vậy không mang lại hiệu quả cho nhà kinh doanh cũng như việc quản lý nhà nước.
“Thực tế việc truy xuất nguồn gốc bình gas thành phẩm lưu thông trên thị trường đã có các giải pháp đang áp dụng. Ví dụ, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét lên mã QR Code tích hợp trên tem chống giả hoặc nhắn tin về tổng đài sau khi cào lớp nhũ trên màng co bình gas thì người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ” - vị đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam khẳng định.
Mặt khác, việc truy nguồn gốc dựa trên ghi chép hoặc cơ sở dữ liệu đã quét không có ý nghĩa trong quản lý, theo dõi tìm vị trí bình gas. Bởi giải pháp này không truy tìm được khi người dân đổi bình gas của hãng khác hoặc bình gas bị chiếm dụng trái phép, bị hoán cải. Hơn nữa, thực tế cho thấy vi phạm trong kinh doanh gas chủ yếu là các vụ chiếm dụng bình của các hãng khác để làm hàng giả, cắt quai, mài logo thay thế bằng thương hiệu khác.
Trong trường hợp đối tượng cắt quai nhằm xóa thông tin đã dập cũng tương tự cắt bỏ con chip điện tử hay xóa mã hiệu in phun trên vỏ bình gas. Do đó, giải pháp ghi chép, dữ liệu điện tử hoàn toàn không có ý nghĩa truy xuất nguồn gốc hay quản lý vỏ bình gas.
“Một quy định đưa ra mà các đơn vị kinh doanh không thể thực hiện được trong thời gian dài thì cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Đáng tiếc, không những không sửa mà Nghị định 99/2020 vừa ban hành còn quy định phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng nếu không lập sổ theo dõi càng khiến giới kinh doanh gas bức xúc” - ông Thà nói.
Phải bỏ quy định bất hợp lý
Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay đã có kiến nghị bằng văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương… đề nghị bỏ quy định về lập sổ theo dõi ngay từ khi còn đang trong quá trình soạn thảo Nghị định 87/2018. Bên cạnh đó, các công ty, đại lý gas rất bức xúc, nhiều lần phản ánh với các cơ quan quản lý quy định này không phù hợp với thực tiễn nhưng không được quan tâm.
“Một lần nữa, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng không chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi không lập sổ theo dõi bình gas, cũng như xem xét bỏ quy định phải có sổ theo dõi. Vì quy định này không mang lại hiệu quả cho quản lý nhà nước và có nhiều luật, nghị định khác đã quy định” - Hiệp hội Gas Việt Nam bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Công Thương TP.HCM cho hay dù quy định lập sổ theo dõi đã thực hiện hơn hai năm nhưng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào việc lập sổ theo dõi chưa được nhiều. Do đó, sở kiến nghị Bộ Công Thương có lộ trình, thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các công ty đầu mối triển khai đến toàn hệ thống phân phối của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo an toàn khi muốn quay lại kinh doanh giữa lúc dịch bệnh vẫn đang phức tạp?