Kiến nghị Thủ tướng giải pháp cứu ngành chăn nuôi
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trước thảm cảnh của ngành chăn nuôi, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp giải cứu.
Cả người nuôi và người tiêu dùng vẫn bị khâu trung gian “móc túi”.
Theo ông Vân, Bộ đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng thương mại khoanh, giãn nợ cho chủ hộ vay để chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y. Đồng thời, đề nghị với Bộ Công Thương yêu cầu một số đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt như Vissan, Việt Đức, Hapro Hà Nội, Saigon Corp, các đơn vị quân đội… tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ, xem xét tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực để bảo vệ chăn nuôi trong nước.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các địa phương rà soát tổng đàn lợn, đặc biệt là đàn lợn nái, các nhà máy chế biến cám, theo hướng giảm 4,2 triệu lợn nái hiện nay xuống ổn định ở dưới 3 triệu nái vào năm 2019, loại thải dần đàn nái chất lượng kém, thay đổi phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Từ góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Trọng Long cho rằng: “Nuôi lợn phải được đầu tư bài bản, từ con giống tốt, áp dụng công nghệ để hạ giá thành, thịt đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi xuất khẩu phải tính đến chính ngạch, chứ không thể chăn nuôi theo kiểu trông chờ xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc được mãi, đến lúc thịt lợn bội thực thế này ai cứu nổi, rồi cảnh tắc ứ như lúa gạo, dưa hấu…tiếp diễn”- ông Long nói.
Còn ông Nguyễn Trí Công cho rằng, qua đợt này, rõ ràng ngành chăn nuôi lợn phải nhìn nhận lại, theo tín hiệu thị trường để sản xuất. Theo ông, năng suất heo nái của Việt Nam hiện chỉ 16-18 con/nái, nhưng thế giới đã là 30 con/nái. Vì thế, nhân cơ này, nên loại thải những con năng suất kém.
Còn về cách giải cứu, ông Công cho rằng, với khoảng 5 triệu hộ chăn nuôi hiện nay, khó ngân hàng nào giải cứu nổi. Giải pháp lúc này là có thể giết mổ lợn để trữ đông thịt. Ngoài ra, Việt Nam cần tổ chức được chuỗi thịt an toàn, bớt khâu trung gian- là thương lái, tiểu thương hiện đang lãi tới 1-1,5 triệu đồng/con, trong khi người nuôi lỗ nặng. “Cắt được bớt trung gian, giá thịt có thể rẻ xuống, từ đó kích cầu tiêu dùng mới cứu được ngành”- ông Công nói.
Cục trưởng Chăn nuôi cũng cho rằng, phân phối lợi nhuận giữa các khâu trong chuỗi thịt lợn đang có vấn đề và cần kiểm soát. “Tiểu thương giết mổ lãi 500.000 đồng/con lợn trở lên. Rõ ràng đây là khâu mà chính quyền các cấp cần quản lý vì, có thể họ lợi dụng lúc này tiếp tục ép giá nông dân”- ông Vân nói.
Đầu tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ họp với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, tìm giải pháp hạ giá thịt. Ngoài ra, trong tháng 5 tới, Cục sẽ có đoàn sang làm việc với phía Trung Quốc, nhằm thống nhất các điều kiện về thú y, kiểm dịch… để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch thịt lợn.
Trong khi giá lợn hơi khắp nơi xuống thấp, dân kêu trời, trong một số siêu thị, giá thịt lợn vẫn giữ mức khá cao. Tại siêu thị Big C, thịt ba chỉ 127.000 đồng/kg; nạc thăn 113.000 đồng/kg; sườn non cắt khúc 131.000 đồng/kg; nạc dăm nạc vai giá 95.900 đồng/kg; bắp giò không xương 98.000 đồng/kg…