Kiến nghị tăng thuế thuốc lá để giảm buôn lậu
Tình hình buôn lậu qua các tuyến biên giới các tỉnh phía Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 diễn biến phức tạp do nhiều đối tượng thay đổi phương thức hoạt động, người dân nghèo vùng biên giới bị đối tượng buôn lậu thuê vận chuyển hàng.
Đây là nhận định của nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị giao ban công tác phối hợp 19 chi cục quản lý thị trường (QLTT) khu vực phía Nam 6 tháng đầu năm do Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang tổ chức vào sáng 29-6.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bé Tư, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Hậu Giang, cho biết hàng buôn lậu được phát hiện chủ yếu là thuốc lá, đường cát, tân dược, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, rượu. Những đối tượng buôn lậu kết thành từng nhóm có quy mô lớn và thường xuyên thay đổi luồng, tuyến vận chuyển, thời gian, địa điểm giao nhận hàng để không tạo thành quy luật nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Trong 6 tháng đầu năm, chi cục QLTT 19 tỉnh phía Nam đã xử lý 9.016 vụ, thu phạt tổng số tiền gần 102 tỉ đồng và tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm. Trong số những mặt hàng buôn lậu qua biên giới, thuốc lá và đường cát có số lượng vận chuyển lớn. Theo ông Nguyễn Tấn Vĩnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm, các đội QLTT của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 71 vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, phạt tiền 475 triệu đồng, tịch thu 98.176 bao thuốc lá ngoại. Trong thị trường nội địa, do lợi nhuận và nhu cầu của người sử dụng, thuốc lá điếu nhập lậu tuy không còn bày bán công khai như trước đây nhưng vẫn được các đối tượng bán tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, tủ bán thuốc lá lẻ…
Lực lượng chức năng tại Đồng Tháp bắt giữ ghe chở thuốc lá lậu Ảnh: Lê Khánh
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bức xúc trước tình trạng đường nhập lậu tràn ngập thị trường và cho biết hiện giá đường tinh luyện đã giảm khoảng 2.000 đồng/kg, đường trắng giảm từ 2.800-2.900 đồng/kg so với đầu vụ. Đến nay, hầu hết các nhà máy đã bán đường cát với giá bằng giá đường nhập lậu Thái Lan. Một số nhà máy đã bán thấp hơn hoặc bằng giá thành và có nguy cơ thua lỗ.
Để hạn chế tình hình buôn lậu 2 mặt hàng nói trên, ngoài việc lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho rằng cần huy động được các tầng lớp nhân dân chống buôn lậu, hướng dẫn cho họ biết hàng giả, hàng nhái thì người dân mới tham gia tố giác và chống buôn lậu. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ có lộ trình tăng thuế tiêu thụ thuốc lá nhằm tăng giá bán, giảm cầu; nâng cao đời sống cho người dân vùng biên giới để họ không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu.
"Đối với mặt hàng đường, cần phải giải quyết vấn đề từ gốc. Tức là nâng cao sản xuất ở khâu chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật… để hạ giá thành sản phẩm, lúc đó giá bán sẽ cạnh tranh được với đường nhập lậu" - ông Lê Khánh Hưng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, phân tích.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết sắp tới, Bộ Công Thương sẽ xem xét cải tiến, hoàn thiện ứng dụng báo cáo điện tử theo hướng tích hợp trên một ứng dụng, có quản lý đầy đủ dữ liệu của lực lượng QLTT để từng chi cục có cơ sở trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.