Kiện hàng ngoại bán phá giá

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống bán phá giá, là quyền hợp pháp song lâu nay các doanh nghiệp Việt rất ít sử dụng.

Trước nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường phải đi hầu các vụ kiện bán phá giá hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Chỉ riêng năm 2012, DN Việt đã chịu 11 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Tuy nhiên, gần đây, một số DN trong nước cũng đã khởi kiện hàng ngoại nhập bán phá giá vào thị trường Việt Nam.

Biện pháp cần thiết

Mới đây, ngày 2-7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 4460/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội, có mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 nhập khẩu về Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01).

Các sản phẩm thép trên được dùng trong ngành sản xuất đồ gia dụng và các vật dụng khác đã bị 2 DN trong nước kiện áp thuế chống bán phá giá. Cụ thể, ngày 6-5, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty TNHH POSCO VST và Công ty CP Inox Hòa Bình yêu cầu áp dụng mức thuế chống bán phá giá 20%-40% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ 4 thị trường trên.

Kiện hàng ngoại bán phá giá - 1

Thép không gỉ cán nguội ngoại nhập đang được bán tràn lan trên thị trường TP HCM. Ảnh: Hồng Thúy

Hiện các mặt hàng này có mức thuế nhập khẩu về Việt Nam từ 0%-10%, trong đó thuế suất 0% được áp dụng cho thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN (theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia). Nguyên nhân khởi kiện được 2 DN lý giải là do sản phẩm thép nhập khẩu ở 4 thị trường trên đều thấp hơn giá bán trên thị trường Việt Nam khoảng 25% nên giá bán rất cạnh tranh với sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt luôn chịu lép vế...

Mặc dù chỉ mới có quyết định điều tra nhưng vụ việc cũng đã có những phản ứng trái chiều. Một số DN sản xuất sử dụng thép không gỉ làm nguyên liệu đầu vào đã gửi đơn phản ứng lên Bộ Công Thương vì cho rằng việc 2 DN khởi kiện đòi đánh thuế chống bán phá giá đối với tất cả các loại inox cán nguội là không hợp lý vì Việt Nam chỉ mới sản xuất được vài chủng loại. Ngoài ra, thời gian qua, thuế nhập khẩu mặt hàng này đã tăng từ 0% lên 10%, nếu tiếp tục tăng thì giá nguyên liệu sẽ tăng cao, DN gặp khó. Dù vậy, vụ kiện này được đánh giá là bước tiến trong khả năng sử dụng các công cụ thương mại quốc tế của Việt Nam.

Khó cũng nên làm

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam - rất hoan nghênh quyết định của Bộ Công Thương. "Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống bán phá giá là quyền hợp pháp của chúng ta song lâu nay Việt Nam rất ít sử dụng. Trong khi đó, không thể nói là không có hiện tượng hàng nhập khẩu của nước ngoài đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước" - luật gia Vũ Xuân Tiền bình luận.

Theo quy định, thời gian cho một vụ kiện chống bán phá giá khá dài, qua nhiều bước, thủ tục. Công ty POSCO VST và Công ty CP Inox Hòa Bình ngoài việc có hồ sơ hợp lệ còn phải cung cấp thông tin xác thực và tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, quan trọng nhất là 2 DN này và cơ quan điều tra cần thực hiện là tập hợp tư liệu, chứng cứ để chứng minh khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa bán phá giá từ một nước đã vượt quá 3% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu về Việt Nam; chứng minh thiệt hại kinh tế đối với mình...

ThS Luật Thương mại quốc tế Nguyễn Văn Hải cho biết Bộ Công Thương mới đưa ra quyết định điều tra nghĩa là chỉ tiến hành bước đánh giá tính hợp pháp của đơn yêu cầu điều tra về tư cách pháp lý của bên nộp đơn và chứng cứ chứng minh thiệt hại. Bộ Công Thương sẽ có 12 tháng kể từ ngày ra quyết định điều tra để tiến hành điều tra. Khả năng thành công của 1 vụ kiện phòng vệ thương mại phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ.

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, chưa thể kết luận các DN Việt Nam thắng hay thua trong vụ kiện này nhưng có thể thấy rằng trong việc kiện bán phá giá, chúng ta gặp một khó khăn lớn là phải có chứng cứ về hàng hóa nhập khẩu chiếm tỉ trọng vượt quá 3% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu về Việt Nam (với trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ một nước) hoặc vượt quá 7% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam với trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ nhiều nước. Trong không ít trường hợp, khi tổng hợp số lượng hàng nhập vào Việt Nam lại ít hơn 3% bởi một số lượng lớn hàng nhập khẩu tiểu ngạch đã không được quản lý, cập nhật. Điều này xảy ra phổ biến đối với hàng nhập từ Trung Quốc, Thái Lan về Việt Nam. Một khó khăn nữa là chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong những vụ kiện bán phá giá...

"Dù thành công hay không thành công, khởi kiện và điều tra hành vi bán phá giá là việc làm cần thiết để qua đó chúng ta sẽ có kinh nghiệm trong những vụ việc tiếp theo" - luật gia Vũ Xuân Tiền cho hay.

Từng áp dụng biện pháp tự vệ

Cuối tháng 4-2013, Bộ Công Thương đã có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời bằng cách áp dụng mức thuế nhập khẩu 5% đối với một số mã dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam, thời hạn áp dụng không vượt quá 200 ngày kể từ ngày 7-5-2013. Đây là kết quả của vụ việc Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam gửi đơn yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu về Việt Nam, giai đoạn điều tra từ ngày 1-1 đến 31-12-2013.

Trước đó, năm 2009, Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG) đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập về Việt Nam nhưng không thành công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN