Kiên Giang: Thả cá ăn gốc rạ, trứng ốc ruộng, nhà nông trúng đậm

Sự kiện: Kinh Doanh

Hiện nhiều nông dân trong tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch xong cá ruộng nuôi trong mùa nước nổi thay thế cho lúa vụ 3, đây là hình thức nuôi cá thông minh, tận dụng thức ăn tự nhiên. Theo ghi nhận tại một số địa phương, năm nay cá nuôi đạt hơn mọi năm, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 10-12 triệu đồng/ha.

Thu nhập ổn định

Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Văn Đời, ngụ ấp Thạnh An 2 (xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp), cho hay: "Sau thời gian nuôi cá trên ruộng lúa mùa nước nổi, tôi nhờ một số anh em trong xóm đem lưới ra đồng để thu hoạch cá nuôi. Nhiều năm nay rồi, mùa nước nổi nào tôi cũng nuôi cá chép, cá mè trên ruộng."

Với 103 công ruộng của gia đình với chi phí chỉ vài triệu đồng tiền cá giống, có năm gia đình ông Đời lãi 70-80 triệu đồng nhờ giá cá cao. Năm nay cá nuôi đạt, cá mè hiện có giá 9 ngàn đồng/kg, cá chép 15 ngàn đồng/kg, cá tra 20 ngàn đồng/kg, thu hoạch khoảng 6 đợt đến khi sạ lúa, ông kiếm được khoảng 40 triệu đồng.

Kiên Giang: Thả cá ăn gốc rạ, trứng ốc ruộng, nhà nông trúng đậm - 1

Gia đình ông Đời dùng lưới kéo cá nuôi trên ruộng mùa nước nổi. Ảnh: NQ.

Theo ông Đời, cá chép, cá mè giống sau khi mua về cần thả trong vuông nuôi cho ăn thức ăn dặm khoảng 20 ngày, sau đó thả ra ruộng nhằm tránh hao hụt. Còn cá tra thì được nuôi sẵn trong đìa, khi đạt cỡ cổ tay người thì thả cùng lượt với cá chép, cá mè ra ruộng.

Kiên Giang: Thả cá ăn gốc rạ, trứng ốc ruộng, nhà nông trúng đậm - 2

Sau khi trừ chi phí, ông Đời thu về khoảng 40 triệu đồng sau hơn 3 tháng nuôi. Ảnh: NQ.

Tại huyện Giồng Riềng, bà con nông dân cũng đang tất bật thu hoạch cá trên ruộng để dọn đất gieo sạ lúa đông xuân 2018-2019. Năm nay, huyện Giồng Riềng có hơn 1.500ha thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi, tăng khoảng 212ha so năm 2017.

Năm nay là năm thứ 20 ông Nguyễn Văn Giữ, ngụ ấp Hòa A, xã Hòa Lợi (Giồng Riềng) thực hiện mô hình nuôi cá ruộng mùa nước nổi với diện tích hơn 2ha. Ông Giữ cho biết: “Nhờ mực nước lên cao, môi trường thoáng đãng, yên tĩnh nên cá mùa này lớn nhanh và ít hao hụt. Thời gian nuôi chỉ cần hơn 3 tháng, năng suất cá đạt trung bình từ 900kg - 1,2 tấn/ha. Trừ hết các khoản chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng”.

Hiệu quả kép

Không chỉ có ông Giữ, toàn xã Hòa Lợi có 220ha thực hiện nuôi cá ruộng đều đem lại nguồn thu nhâp ổn định so với sản xuất lúa vụ 3. Đa phần người nuôi đều tận dụng gốc rạ của vụ lúa hè thu để thả cá, lúc lúa chét mọc nhiều, tạo thêm nguồn thức ăn thiên nhiên trong suốt mùa nước nổi.

Kiên Giang: Thả cá ăn gốc rạ, trứng ốc ruộng, nhà nông trúng đậm - 3

Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi là hình thức nuôi thông minh, tận dụng thức ăn tự nhiên được nhiều nông dân áp dụng có hiệu quả. Ảnh: NQ.

Theo bà con nuôi cá, chỉ cần mua con giống và lưới bao xung quanh ruộng đề phòng nước lớn cá đi. Nuôi cá ruộng tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên chủ yếu là lúa chét, côn trùng từ trong rơm rạ, trứng ốc bươu vàng, sâu rầy, rong tảo, bèo... nên người nuôi giảm được chi phí về thức ăn. Sau 3-4 tháng nuôi, bình quân cá chép đạt trọng lượng 2-3 con/kg, cá mè hoa 1 con/kg.

Hiện thương lái đến tận ruộng nông dân mua cá chép giá từ 13.000 - 16.000 đồng/kg, còn cá mè hoa giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của ông Võ Hoàng Sương, ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Hòa Hưng (Giồng Riềng), nếu mùa nước nổi nuôi cá trên ruộng thì vụ sau sẽ giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 15-20%. Đặc biệt lúa cho năng suất cao hơn khoảng 1 tấn/ha so với ruộng canh tác lúa 3 vụ/năm.

Kiên Giang: Thả cá ăn gốc rạ, trứng ốc ruộng, nhà nông trúng đậm - 4

Sau 3-4 tháng nuôi, bình quân cá chép đạt trọng lượng 2-3 con/kg, cá mè hoa 1 con/kg. Ảnh: NQ.

Nhằm giúp bà con nông dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng triển khai 15 điểm mô hình “Nuôi ghép cá chép, mè hoa, trê vàng trong ruộng lúa” tại xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) với 15 hộ tham gia, diện tích 15ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu đồng, trong đó, Phòng NNPTNT huyện hỗ trợ 78,3 triệu đồng, còn lại dân đối ứng. Sau 3 tháng nuôi, bình quân các hộ tham gia mô hình lãi 12,5 triệu đồng/ha.

Là một trong 15 hộ được Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi ghép cá chép, mè hoa, trê vàng trong ruộng lúa với diện tích 1ha, ông Lâm Văn Thích, ngụ ấp Hòa An, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng), cho biết: “Đây là vụ đầu tiên tôi nuôi cá trê vàng cùng với cá chép, cá mè. Nhờ có kỹ sư hỗ trợ nên cá nuôi rất đạt, tôi vừa thu hoạch được 420kg cá chép, 1,3 tấn cá mè, 78kg cá trê vàng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi 16 triệu đồng/ha”.

Kiên Giang: Thả cá ăn gốc rạ, trứng ốc ruộng, nhà nông trúng đậm - 5

Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi là cách làm mang lại hiệu quả kép. Ảnh: NQ.

Theo ông Lê Hoài – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng, cá trê vàng là đối tượng thủy sản có khả năng thích nghi rộng, ít dịch bệnh, dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, nuôi trên ruộng lúa giúp thịt cá vàng như cá đồng, có giá trị kinh tế cao. Qua kết quả nuôi thử nghiệm này, huyện sẽ có kế hoạch khuyến khích cho nhiều nông dân thực hiện trong mùa nước năm sau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chúc Ly - Ngọc Quyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN