Kiên Giang: Dân đổi đời nhờ nuôi lươn đồng trong bồn cao su
Với sự hướng dẫn và hỗ trợ của chính quyền và Hội Nông dân, ngày càng nhiều hộ dân ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) có các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật nhất là mô hình nuôi lươn thịt thương phẩm trong bồn cao su của tổ hợp tác (THT) nuôi lươn ấp Thạnh An 2.
Nuôi lươn cho chu nhập cao
Với 72m2 trước sân và sau nhà, chị Trần Thị Kỷ, thành viên THT nuôi lươn ấp Thạnh An 2 làm 6 bồn nuôi lươn bằng cách căng bạt cao su lên cao khoảng 60cm, thiết kế đơn giản trên khoảnh sân thành hình chữ nhật để có thể thay nước thuận tiện. Dưới đáy bồn, chị Kỷ phủ một lớp bùn khoảng 10cm, giữa bồn đắp ụ đất hoặc cho vào các bó rơm, cỏ mục tạo môi trường hoang dã, làm nơi cho lươn trú ngụ và dễ dàng kiếm ăn.
“Khâu chọn giống lươn rất quan trọng. Lươn giống phải có kích cỡ đồng đều, giống khỏe mạnh. Tôi thả nuôi với mật độ trung bình khoảng 800-1.000 con/bồn. Thị trường rất ưa chuộng lươn nên nuôi ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Cũng nhờ Hội Nông dân xã vận động đi học nghề nuôi lươn nên giờ tôi mới thành công như hôm nay”, trao đổi với Dân Việt, chị Kỷ cho biết.
Kỹ thuật nuôi lươn trong bồn cao su không khó, nông dân dễ nắm bắt. Ảnh: NQ.
Sau 6 tháng thả nuôi, chị Kỷ bắt đầu chọn những con lươn cỡ lớn bán trước, số còn lại nuôi đến khi đạt trọng lượng khoảng 200gr/con thì xuất bán. Để đảm bảo môi trường nước trong bồn nuôi lươn, định kỳ mỗi ngày chị Kỷ thay nước 1 lần. Lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, chị Kỷ thay bùn trong bồn bằng đất ruộng, tuyệt nhiên không dùng đất dưới sông để tránh lươn bị sốc phèn.
Theo chị Kỷ, nguồn thức ăn chính cho lươn là thức ăn viên công nghiệp để đảm bảo độ đạm cao và còn có thêm cá tạp nấu chín pha trộn. Với giá lươn thị trường 160.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí 10 triệu đồng, chị Kỷ lãi từ 120 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi lươn, chị Kỷ còn thu mua lươn thịt của các thành viên trong THT để mang đi tiêu thụ.
Kỹ thuật nuôi lươn đơn giản, dễ làm
Là hộ nghèo của ấp, vợ chồng chị Trần Thị Yến, thành viên THT nuôi lươn ấp Thạnh An 2, chọn nghề nuôi lươn trong bồn cao su để tìm cơ hội thoát nghèo, nuôi con ăn học. Hiện chị Yến nuôi 3 bồn lươn với số lượng khoảng 3.000 con lươn thịt.
Mô hình nuôi lươn trong bồn cao su ở ấp Thạnh An 2, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang hiện rất thành công, được nhiều hộ làm theo. Ảnh: NQ.
Thức ăn cho lươn là cá xay nhuyễn trộn với thức ăn viên công nghiệp. Ảnh: NQ.
Chị Yến chia sẻ với Dân Việt: “Lúc trước vợ chồng nghèo chỉ biết mần mướn, từ ngày nuôi lươn tới giờ thấy cuộc sống đỡ hơn”. Theo chị Yến, thuận lợi của mô hình nuôi lươn trong bồn cao su là linh hoạt về thời gian và lấy công làm lời, kỹ thuật nuôi không khó. Một vụ lươn kéo dài trung bình gần 6 tháng, nhưng thời gian chăm sóc ít, khoảng 45-60 phút/ngày. Vả lại, nguồn thức ăn cho lươn khá đa dạng và dễ tìm, bà con có thể tự thu gom ốc bươu vàng và các loại cá tạp, nhất là mùa nước nổi hiện nay, nguồn thức ăn cho lươn dồi dào và giá thấp.
THT nuôi lươn ấp Thạnh An 2 hiện có 9 hộ thành viên, đa số là những hộ ít đất sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Bao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đông A, để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cuối năm 2017, UBND xã hỗ trợ 20 hộ nuôi lươn ở ấp Thạnh An 2 với tổng số tiền 69,5 triệu đồng, trong đó có 9 hộ thành viên THT để mua thức ăn, con giống. Khó khăn hiện nay là nguồn lươn giống ít, bà con sử dụng con giống bắt trong tự nhiên nên chất lượng không đồng đều, khi nuôi dễ hao hụt.
THT nuôi lươn trong bồn cao su ấp Thạnh An 2 được chính quyền hỗ trợ một phần vốn phát triển mô hình. Ảnh: NQ.
Bà Phan Kim Loan - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Hiệp, cho biết: “Phòng có kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật nhân giống lươn nhằm hỗ trợ nông dân có nguồn con giống chất lượng, sạch bệnh vào đầu năm 2019. Mục tiêu của đề tài là tạo được vùng nguyên liệu lươn ao bùn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ lươn sạch, đáp ứng phân khúc thị trường khó tính và nâng cao thu nhập cho nông dân”.