Kiểm tra cơ sở chiếu xạ vải thiều đầu tiên tại miền Bắc

Dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường khó tính như Úc, Mỹ...

Ngày 5/7, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đi kiểm tra việc đầu tư, nâng cấp cơ sở chiếu xạ đầu tiên của miền Bắc - Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ KH&CN).

Khi vận hành, dây chuyền chiếu xạ này có khả năng xử lý 20-30 tấn vải, nhãn/ngày, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang những thị trường khó tính như Australia, Mỹ...

Kiểm tra cơ sở chiếu xạ vải thiều đầu tiên tại miền Bắc - 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát ăn kiểm tra chất lượng vải sau khi xử lý, chiếu xạ và bảo quản 2 tuần.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho hay: Tổng nguồn vốn để mua sắm thiết bị, nâng cấp nguồn, dây truyền và sửa chữa, xây dựng cho khu chiếu xạ này vào khoảng 30 tỷ đồng.

“Hiện nay chúng tôi đã sẵn sàng phần thiết bị, chỉ còn thiếu 9 tỷ đổng để xây dựng và sửa chữa kho” – ông Đặng Quang Thiệu nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Quang Thiệu, để được phía Mỹ chứng nhận và cấp giấy phép chiếu xạ, cùng với việc đảm bảo dây chuyền chiếu xạ, Trung tâm phải đảm bảo các điều kiện để hàng hóa chiếu xạ không bị tái nhiễm. Vì thế, Trung tâm cần phải có 2 kho lạnh riêng biệt để cách ly hàng hóa đầu vào và hàng hóa đầu ra. Hiện nay, kho lạnh đầu vào đang thiếu, Trung tâm đang dự kiến xây dựng kho mới trên diện tích 700-800m2, trong đó có gần 200m2 kho lạnh và 50m2 phòng dành để kiểm dịch, còn lại sẽ dành cho khu vực đóng gói. Với kho lạnh đầu ra cần 200m2, Trung tâm sẽ cải tạo trên cơ sở kho kho cũ.

Tuy nhiên đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa bố trí kinh phí cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để xây dựng, sửa chữa kho lạnh nên việc triển khai trên thực tế đang bị đánh giá là chậm.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay ở miền Nam có 2 cơ sở chiếu xạ được công nhận. Trong khi đó nếu vận chuyển nông sản từ Bắc vào Nam khiến chất lượng bị giảm sút và các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu những chi phí lớn.

Vì thế, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ KHCN để giải quyết sớm nguồn vốn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp cũng như bà còn nông dân trồng vải, nhãn ở các địa phương miền Bắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN