Kiểm tra 5 cửa hàng bán xì gà ở Hà Nội, thu giữ cả đống hàng dởm

Sự kiện: Kinh Doanh

Rất nhiều cửa hàng kinh doanh, nhất là kinh doanh trên mạng đã lợi dụng để bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Xì gà và mỹ phẩm là những sản phẩm nhỏ gọn có thể dễ dàng mang từ nước ngoài về theo hình thức quà biếu. Tâm lý người tiêu dùng rất thích những hàng hóa mang "thương hiệu" xách tay như thế này, vì tin tưởng chúng là hàng thật, hàng hiệu... 

Song thực tế, nhiều cửa hàng kinh doanh, nhất là kinh doanh trên mạng đã lợi dụng để bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Ngày 7-7, được biết lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân, kiểm tra 5 điểm kinh doanh mặt hàng thuốc lá điếu xì gà tại các phố như Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), Trung Kính, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), Yên Ninh, Kim Mã (quận Ba Đình). 

Qua kiểm tra đã thu giữ 1.000 điếu xì gà mang thương hiệu khác nhau và nhiều loại phụ kiện xì gà không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Kiểm tra 5 cửa hàng bán xì gà ở Hà Nội, thu giữ cả đống hàng dởm - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh xì gà.

Được biết xì gà nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch, có hóa đơn, chứng từ chiếm tỷ lệ nhỏ. Chủ yếu là hàng xách tay, hàng không có nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường được các chủ cửa hàng kinh doanh mua gom về để bán kiếm lời.

Xì gà là mặt hàng hiện nay đang "hot" vì trào lưu sành điệu, nhưng theo thông tin từ một website chuyên kinh doanh xì gà, thì có tới 99% xì gà là dởm, hoặc  trong một hộp được pha trộn giữa xì gà thật và xì gà "nhái". Vì vậy, người tiêu dùng hết sức cảnh giác và cần tìm hiểu những kỹ năng để có thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Ngoài mặt hàng xì gà, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng là một vấn nạn hiện nay. Vừa qua, Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an phối hợp với Chi cục QLTT TP Hà Nội, tổ công tác 334 Bộ Công thương bất ngờ kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ngọc Tú, có trụ sở tại Cầu Bươu, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. 

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác liên ngành đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y như bộ trị mụn, gel điều trị mụn, gel trị thâm, serum tái tạo và phục hồi da, kem dưỡng da chống nắng ban ngày... 

Đại diện chủ cơ sở chưa xuất trình đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm cũng như giấy phép đủ điều kiện sản xuất hàng hóa. Cùng thời điểm này, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng thu giữ gần 2000 sản phẩm mĩ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc tại một điểm tập kết hàng hóa tại khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Số sản phẩm này đều gắn mác những thương hiệu nổi tiếng như CoCo, Allure...

Hiện nay, thương mại điện tử đang phát triển và rất khó kiểm soát, bất cứ một cá nhân nào sử dụng mạng xã hội cũng có thể chào bán các sản phẩm như xì gà, mỹ phẩm... thông qua những đối tượng là bạn bè trên  mạng xã hội, từ đó lan tỏa sang các đối tượng khác. 

Bản thân những người bán cũng không rõ nguồn gốc sản phẩm mà mình bàn là thế nào, có tin tưởng được không? Vì vậy, người tiêu dùng hết sức cảnh giác và không nên mua những sản phẩm này nếu không có thông tin đầy đủ kẻo rước họa vào thân.

Bên cạnh đó, những hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc là vi phạm pháp luật, tùy trường hợp cụ thể có thể bị xử lý hình sự về hành vi buôn bán hàng cấm, hàng lậu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Minh Khoa ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN