Kiếm hàng trăm triệu từ thu gom rơm trên đồng
Thay vì để rơm bị vứt bỏ đầy đồng ruộng, nhiều người dân đã bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư máy đi thu gom rơm về bán kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Video thu gom rơm trên các cánh đồng về bán kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những ngày cuối tháng 5, người nông dân khắp các huyện thành thị ở Nghệ An đang vào mùa thu hoạch lúa vụ đông xuân với sản lượng cao. Đây cũng là thời điểm những người thu gom rơm tất bật vào mùa "hốt bạc". Tỉnh nghệ An là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn. Mỗi năm, tỉnh này sản xuất trên 170.000 ha lúa, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Chính vì thế, phụ phẩm rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch cũng rất lớn.
Đa số diện tích lúa được người dân thuê máy đập liên hoàn về gặt. Sau khi thu hoạch, rơm được người dân bỏ lại tại ruộng chứ không thu về.
Rơm được máy gặt rải thành từng hàng trên gốc lúa. Sau 1 ngày phơi nắng, rơm khô lại và được người dân đến thu gom về bán.
Bà Hương (trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho hay, mỗi lúc vào vụ thu hoạch lúa, bà cùng người thân trong gia đình đi ra các cánh đồng để thu gom rơm về để bán cho các trang trại chăn nuôi gia súc. "Rất ít gia đình sau khi gặt lúa họ lấy rơm về nên mình đến thu gom lại. Nếu không thu gom kịp họ sẽ đốt. Vừa phí vừa ô nhiễm môi trường. Mỗi sào ruộng, chúng tôi thu gom bán cho họ cũng được 120-150 nghìn đồng. Nếu có sức khỏe, mỗi ngày cả nhà cũng kiếm được tiền triệu", bà Hương chia sẻ.
Để thu hoạch được nhiều rơm, người dân mang những tấm bạt lớn đi trên các thửa ruộng gom rơm rồi tập kết lên xe vận chuyển về.
Vụ thu hoạch lúa chỉ kéo dài trong vài tuần nên nhiều gia đình phải tranh thủ huy động toàn bộ thành viên trong gia đình đi để thu gom rơm.
Việc thu gom thủ công không mất chi phí đầu tư nhưng mất công, tốn sức và lượng rơm thu về không được nhiều. Chính vì thế một số người đã mạnh dạn đầu tư những chiếc máy cỡ lớn về để thu gom rơm đi bán.
Anh Hoàng Văn Quân (trú tỉnh Nam Định) chia sẻ, nhiều năm trước anh đầu tư máy gặt đập liên hoàn để gặt thuê. Thời gian sau khi nhiều người đầu tư máy gặt nên khối lượng công việc ít đi. Thấy máy gặt sau khi thu hoạch lúa sẽ để lại rơm trên ruộng nhưng người dân thì vứt bỏ. Trong khi đó nhu cầu mua rơm của các trang trại chăn nuôi lớn nên anh Quân đã bỏ ra gần 400 triệu đồng để đầu tư máy cuộn rơm.
Anh Quân cho hay, máy cuộn rơm có thể thu gom từ 15-20ha ruộng mỗi ngày. Mỗi ha lúa có thể thu được từ 120-150 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm nặng 20kg, bán tại ruộng từ 15 đến 20 nghìn đồng. Tuy nhiên, để vận hành được máy cần từ 7-10 người. Trong đó có 2 người chuyên vận hành trên máy, 5-7 người bốc xếp và vận chuyển trả hàng cho khách mua.
"Mỗi năm tôi làm được 2 mùa kéo dài khoảng 5 tháng. Cứ đi từ Thanh Hóa vào đến tận Thừa Thiên Huế. Cứ vùng nào thu hoạch xong lúa là tôi đến thu gom. Mỗi ngày thu nhập khá cao nhưng chi phí cũng nhiều. Mỗi thợ được trả công theo ngày từ 800-1 triệu đồng", anh Hoàng Văn Quân nói và cho hay, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm anh thu về hơn 200 triệu đồng nhờ những cuộn rơm.
Sau khi quấn, những cuộn rơm khô được chất đống tại ruộng.
Những người thợ sau đó sẽ bốc lên xe tải đi giao cho các trang trại chăn nuôi hoặc các doanh nghiệp sản xuất nấm...
Mỗi cuộn rơm chỉ nặng khoảng 20kg nhưng những người thợ làm việc giữa đồng ruộng nắng nóng cộng với khối lượng nhiều nên khá vất vả.
Dù có nhiều người thu gom rơm nhưng một số người dân sau khi thu hoạch lúa vẫn xuống ruộng để đốt rơm thừa khiến khói bao trùm cả một vùng rộng lớn, gây ô nhiễm môi trường.
Loại quả này có vị chua đặc trưng, là nguyên liệu cho nhiều món ngon nổi tiếng ở miền Tây như canh chua, cá kho...
Nguồn: [Link nguồn]