Kiếm bộn tiền từ loài cá đen ưa lạnh, mõm nhọn như tên lửa
Nhờ cơ duyên, người cựu chiến binh Trần Ngọc Phúc, 58 tuổi ở xóm Kẹm, xã La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã đến với mô hình chăn nuôi cá tầm-loài cá ưa lạnh và có cái mõm nhọn như tên lửa. Nuôi cá tầm là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới ở huyện Đại Từ mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cho ông Phúc.
Ông Phúc từng là người lính, sau khi rời quân đội, người cựu chiến binh lập gia đình và tham gia làm kinh tế tại địa phương với việc trồng và sản xuất chè như bao gia đình khác tại đây. Sau một thời gian dài phát triển kinh tế từ cây chè, năm 2008 do tiếp cận được với mô hình chăn nuôi cá tầm của Trung tâm thủy sản tỉnh Thái Nguyên, sau một quá trình nghiên cứu tìm tòi ông Phúc đã mạnh dạn quyết định mua lại mô hình này và bắt đầu đi vào phát triển quy mô.
Cựu chiến binh Trần Ngọc Phúc với con cá tầm thương phẩm nuôi tại bể nhà.
Ông Phúc kể rằng đã gắn bó 10 năm với núi rừng này từ khi rừng còn hoang vu và chưa có người ở. Theo ông Phúc bắt tay vào mô hình nuôi cá tầm, với chi phí đầu tư ban đầu gần 600 triệu đồng, ông đã gặp phải không ít khó khăn. Kinh nghiệm chưa có nên cá chết rất nhiều, có những thời điểm cá chết lên tới hơn 30% tổng số lượng đàn cá.
Không hề nản lòng mà xác định phải quyết tâm làm giàu bằng được từ mô hình này, ông Phúc đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi cá tầm do Trung tâm thủy sản tỉnh (nay là Chi cục Nông lâm thủy sản Thái Nguyên) tổ chức, đồng thời đi thăm quan một số mô hình nuôi cá tầm để trau dồi thêm vốn kiến thức và kinh nghiệm. Nhờ đó dần dần, số lượng đàn cá nuôi của gia đình ông ngày càng đi vào ổn định với sản lượng 2 tấn/năm, mang lại nguồn lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Một trong 3 bể nuôi cá tầm của gia đình ông Phúc.
Theo ông Phúc nuôi cá tầm này không vất vả lắm, cơ bản phải đảm bảo được nguồn nước tuyệt đối sạch sẽ, nước phải ra vào liên tục với mực nước trung bình mỗi bể cá là khoảng 1 mét. Có một điều thuận lợi là ông tận dụng được nguồn nước sạch và mát lạnh từ trên các khe núi chảy về.
Đặc tính của loại cá tầm là chỉ ăn về đêm và nếu mất nước khoảng 1 - 2 tiếng là cá sẽ bị chết. Chính vì vậy, môi trường nhiệt độ ổn định và thích hợp nhất cho cá tồn tại và phát triển là từ 18 - 20, 22oC, nhiệt độ tối đa là 26oC. Nguồn thức ăn dành cho cá là loại cám chuyên dụng.
Thị trường tiêu thụ cá tầm của gia đình ông Phúc chủ yếu phục vụ lượng khách tại chỗ đến tham quan du lịch khu vực suối Kẹm. Hiện tại gia đình ông có 3 bể cá với số lượng khoảng 300 con. Cũng theo ông Phúc, thời gian từ lúc thả cá con với trọng lượng 100g/con với giá mua vào 60.000đ/con, đến lúc xuất bán là từ 9 tháng đến 1 năm, và cá ở tầm khoảng 2,5kg trở lên có mức giá bán trung bình từ 270.000 đến 300.000đ/1kg.
Cá tầm thương phẩm có mức giá bán hiện tại trung bình từ 270.000 đến 300.000đ/1kg.
Ông Trần Ngọc Phúc cho hay, ông có nhu cầu phát triển và mở rộng thêm quy mô nuôi cá tầm, đồng thời sẽ phát triển mô hình cá tầm đẻ mà theo ông nếu thành công sẽ giảm chi phí rất nhiều từ việc mua cá giống.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Văn Thành - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Từ cho biết: nuôi cá tầm mô hình kinh tế mới và mang lại hiệu quả trên địa bàn huyện, nhằm tạo ra con giống mới và đặc sản mới đồng thời kết hợp với phục vụ phát triển du lịch sinh thái vùng chè và suối Kẹm, mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân.
Cũng theo ông Thành thì sắp tới huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển mô hình nuôi cá tầm, bởi qua khảo sát còn nhiều điểm trên địa bàn huyện có điều kiện thiên nhiên thích hợp để có thể mở rộng mô hình này, như xã Hoàng Nông, Mỹ Yên và Quân Chu.