Kích tiêu dùng nhưng không hạ giá!

Những yếu tố đẩy giá cả hàng hóa lên cao đều đã hạ nhiệt, nhưng giá các loại sản phẩm, dịch vụ trong nước vẫn không thay đổi, thậm chí đang tăng lên không kiểm soát được.

Chỉ tăng và tăng

Ngay đầu năm 2012, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được giảm thuế theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Tuy nhiên trên thị trường, giá cả các loại hàng hóa nằm trong danh mục giảm thuế như mỹ phẩm, dụng cụ nhà bếp, sản phẩm đồ gỗ, các loại quạt và hàng điện máy… vẫn được giữ nguyên.

Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa thế giới trong 2 tháng qua có nhiều đợt giảm giá mạnh, nhưng theo khảo sát thị trường, giá cả hàng hóa trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá.

Theo các siêu thị tại TPHCM, dù giá xăng dầu, lãi suất, nguyên liệu đã giảm nhưng giá hàng hóa các DN đưa vào siêu thị vẫn không giảm mà còn tăng. Chẳng hạn, từ tháng 3 đến nay, mặt hàng sữa có mức tăng khá mạnh, khoảng 15-20% với nguyên nhân không hợp lý là ảnh hưởng giá sữa nguyên liệu nhập khẩu và chi phí nhân công liên tục tăng.

Nhưng trên thực tế, nguyên liệu sữa bột gầy nhập khẩu đã giảm 100-200USD/tấn, sữa nguyên kem tùy theo loại có mức giảm 25-225USD/tấn. Nhà cung cấp một số mặt hàng khác như hàng gia dụng, mỹ phẩm cũng đã tăng giá sản phẩm 5-6%.

Tại các chợ đầu mối, khi giá xăng tăng, mặt hàng nông sản lập tức tăng giá cao ngất dù giá vận tải đã được nhà xe và chủ vựa thỏa thuận với mức rất hợp lý. Viện lý do giá xăng tăng để tăng giá, nhưng thời gian qua, khi giá xăng dầu giảm khá nhiều, giá nông sản vẫn chưa thấy dấu hiệu điều chỉnh giảm.

Lý giải về vấn đề này, nhiều chủ vựa cho rằng giá nông sản bán sỉ tại chợ đầu mối ngoài việc phụ thuộc giá xăng dầu còn được quyết định bởi yếu tố sức mua của thị trường, nguồn cung, thời tiết… nên không thể điều chỉnh theo giá xăng dầu, hoặc nếu có cũng không đáng kể.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu trong quý I giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đang có nhiều cơ hội tốt để giảm giá thức ăn chăn nuôi, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá khá ổn định và lãi suất ngân hàng cũng đã giảm, nhưng các DN sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thực hiện đợt giảm giá toàn diện nào.

Nhiều ý kiến cho rằng các DN này đang cố tình neo giá để duy trì mức lợi nhuận cao trong khi lẽ ra phải giảm giá cho người dân khi giá đầu vào nhiều loại đã giảm. Tương tự, trong tháng 5, giá phôi thép, thép phế liệu (dùng để luyện thành phôi thép) đã giảm 20-25USD/tấn (tương đương giảm 400.000-500.000 đồng/tấn) nhưng giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác vẫn đứng yên.

Kích tiêu dùng nhưng không hạ giá! - 1

Giá nguyên liệu giảm mạnh nhưng nhiều công ty sữa vẫn viện lý do để tăng giá

Không san sẻ lợi ích

Lý giải về việc chưa giảm giá sản phẩm trong thời điểm này, các DN cho rằng do độ trễ của chính sách. Thí dụ hàng hóa tuy tồn kho nhưng đã được sản xuất trong thời điểm giá nguyên liệu và chi phí đầu vào, lãi suất tăng cao nên không thể bán ra với giá thấp hơn. Còn đối với những sản phẩm nhập khẩu được giảm thuế hay giá nguyên liệu giảm cũng phải mất thời gian liên hệ với đối tác đàm phán, thỏa thuận, mua bán, vận chuyển, phân phối...

Nên để thực hiện giá mới cần phải có thời gian nhất định. Trong khi đó, giám đốc đối ngoại một công ty sữa ngoại cho rằng việc tăng hay giảm giá sữa không chỉ phụ thuộc vào giá nguyên liệu mà còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Một số hợp đồng mua nguyên liệu được ký dài hạn nên trước biến động ngắn hạn của thị trường nhập khẩu, DN không thể giảm giá sữa.

Những lý do trên khó chấp nhận vì mỗi khi giá hàng hóa trên thế giới tăng, lập tức giá bán trong nước tăng theo. Nhưng khi giá nguyên liệu giảm, DN lại viện nhiều lý do và cho rằng giá thành sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào giá nguyên liệu để trì hoãn giảm giá nhằm đạt được lợi nhuận cao.

Nghịch lý trong lời giải thích về giá của DN đang gây bức xúc cho người tiêu dùng, đối tượng đã ủng hộ những sản phẩm do DN làm ra. Đó là chưa kể đến việc lượng hàng tồn kho của DN được sản xuất trong thời điểm giá cả nguyên liệu nhập khẩu có tăng có giảm theo thị trường.

Theo đại diện một siêu thị tại TPHCM, việc giảm giá sản phẩm là quyết định của nhà sản xuất, siêu thị chỉ thực hiện nhận hàng và phân phối với giá cả trên hợp đồng. Hiện nay, dù giá nguyên liệu có giảm nhưng sản phẩm vẫn chưa giảm giá do mặt hàng của một số công ty hoặc nhóm công ty đang chiếm thị phần lớn nên họ dễ dàng áp đặt mức giá theo ý muốn.

Tình trạng giá tăng dù yếu tố đầu vào, lãi suất giảm lại được DN hợp thức hóa bằng cách đưa vào các chi phí sản xuất, chi phí đầu tư, tài sản cố định, chi phí góp vốn… nên rất khó kiểm soát.

Chính vì vậy, muốn giá cả sản phẩm về mức hợp lý, cơ quan quản lý cần thực hiện triệt để các biện pháp rà soát lại chi phí sản xuất của DN, buộc DN phải thực hiện giá cả theo quy luật thị trường. Kinh nghiệm từ các siêu thị cũng cho thấy, khi siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá, lượng người tiêu dùng tăng hơn 30% so với thông thường, đẩy sức mua và doanh số bán hàng tăng cao.

Vì vậy, muốn giải phóng hàng tồn, DN không nên nói suông mà cần có những hành động tích cực như cân đối lại chi phí hoặc chịu giảm bớt một phần lợi nhuận để giảm giá sản phẩm, giúp người tiêu dùng cảm nhận được sự san sẻ của DN trong thời điểm kinh tế khó khăn, từ đó tiếp tục ủng hộ sản phẩm do DN làm ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Lam ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN