Kì diệu nghề nuôi loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam
Dòng sông Son chảy qua miền di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chứa trong mình hàng trăm loài cá ngon nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá chình. Thế nhưng thứ cá “đặc sản” này đang ngày cạn kiệt bởi sự săn bắt tận diệt… cho đến khi một số hộ nông dân ở đây đã nghĩ ra cách nuôi chúng…
“Đặc sản” đang cạn kiệt
Sông Son nằm trong di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đoạn chảy qua xã Sơn Trạch có chiều dài trên 12km, rộng khoảng 100m, quanh năm nước trong xanh.
Cá chình nuôi chưa đầy 1 năm, có trọng lượng trên 1kg ở lồng nuôi của ông Thái.
Trong hơn 70 loài cá được tìm thấy ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có 3 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó có 2 loài cá chình là chình hoa và chình mun. Điều này có nghĩa mọi hoạt động mua bán, săn bắt cá chình trên phạm vi sông Son là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước lúc được ghi tên trong Sách đỏ, cá chình là thứ cá đặc sản, ngon nổi tiếng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Nhiều người cho rằng, đến tham quan di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mà chưa thưởng thức loại cá da trơn đặc sản này với các kiểu chế biến như um, rán, lẩu... thì coi như chưa đến Phong Nha.
So với các vùng khác, việc nuôi cá chình lồng trên sông Son có nhiều thuận lợi hơn vì dòng nước trong, lại chảy xiết; hơn nữa Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thiên thế giới, là trung tâm du lịch nên người dân không khó khăn trong việc tìm đầu ra. Tuy nhiên, đến nay khó khăn nhất là vẫn chưa ở đâu tìm ra cách lai tạo loại cá này nên khó khăn về nguồn giống. Hơn nữa, việc người dân đánh bắt cá chình về làm giống có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sinh thái của dòng sông… Ông Trần Đức Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch |
Còn theo người dân bản địa, vùng đất này là xứ sở của chình. Sông Son với nhiều đoạn có đá ngầm, hang ngầm là môi trường sống lý tưởng, ưa thích của loài cá này. Cá chình sống trong các hang đá, đặc biệt là những nơi tăm tối nên muốn bắt được nó không có chuyện thả lưới mà phải thả câu. Phải là người có nghề mới câu được chình vì chúng rất tinh khôn, hễ cảm nhận được nguy hiểm là ẩn lì trong hang, lúc bị cắn câu rồi thì tìm cách rút vào hang rất khó kéo lên…
Trước đây, người dân bản xứ ít săn bắt cá chình bởi khó bắt và bởi sông Son có rất nhiều tôm cá, chỉ cần chèo thuyền ra giữa sông quăng vài tay lưới là có cá ăn thả giàn…Thế nhưng, khi hoạt động du lịch phát triển, kéo theo nhu cầu ăn nghỉ, nhất là nhu cầu thưởng thức của ngon vật lạ của khách đường xa thì người ta đã rất tích cực săn bắt cá chình.
Một nông dân Sơn Trạch cho biết, mấy năm trước, vì cá chình là đặc sản nên các hàng quán tương bảng ầm ầm để hút khách. Sau này khi các cơ quan chức năng làm mạnh vì cá chình nằm trong Sách đỏ Việt Nam thì người ta không dám công khai mà chỉ bán theo kiểu truyền miệng, nghĩa là khi có khách ghé quán, chủ quán sẽ chào hàng. Khách thuận ý thì người ta sẽ đưa con chình đi làm thịt. "Chình leo giá vùn vụt, giá chình hiện tại các chủ quán ăn thu vào đã bảy, tám trăm ngàn 1kg, câu được con chình là có chắc tiền triệu trong tay… nên nhiều người đi câu chình lắm" – người nông dân này nói.
Chúng tôi ghé vào một nhà hàng bên bờ sông Son để hỏi cá chình, chị chủ quán ở đây cho biết, cá chình bây giờ hiếm lắm, muốn ăn phải đặt trước. “Do nó ngon, nó bổ nên giá lên từng ngày. Hồi trước giá chỉ 300 ngàn đồng 1kg), sau lên năm trăm, rồi bảy trăm và giờ thì cả triệu đồng, có khi hơn nhưng khách vẫn tranh ăn vì nó xứng đáng đồng tiền bát gạo" – chị chủ quán nói.
Kinh nghiệm nuôi cá chình
Ông Hoàng Văn Thái (62 tuổi) ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch được biết đến như là một trong những người đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông Son, tuy nhiên trước đây ông chỉ nuôi các loài cá bình thường như cá trắm, cá mè…
Lồng nuôi cá chình trên sông Son.
Theo ông Thái, ý tưởng nuôi cá chình đã được ông nhen nhóm từ khá lâu khi nhìn thấy những con cá chình bé tý người ta bán lẫn trong mớ cá đánh bắt được trên sông Son. Thế nhưng, mãi đến cuối cuối năm 2011, khi xã Sơn Trạch tổ chức đoàn cán bộ chủ chốt của xã cùng một số hộ điển hình trong nuôi cá lồng (ông Thái là một trong 2 người được đi) đi tham quan mấy mô hình nuôi cá chình ở thành phố Huế và xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thì ý tưởng mới thành hiện thực. Sau chuyến đi, ông Thái chính thức bắt tay vào nuôi cá chình, lúc ấy là đầu năm 2012. Việc ông nuôi cá chình tạo nên một "chuyện lạ" trên dòng sông này. Chuyện lạ, bởi truyền thống ở đây là chuyên nuôi cá trắm, cá mè, cá rô phi... chứ cá chình thì chưa ai nghe thấy bao giờ.
Để nuôi cá chình, chi phí để làm lồng nuôi tốn kém hơn nhiều. Lồng nuôi cá chình được hàn bằng kẽm nguyên tấm dày khoảng 2,5mm, chiều dài khoảng 2m, chiều rộng khoảng 2,5m và chiều cao khoảng 1,8m xung quanh lồng được khoan lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa ăn cơm, bên trong lồng được đặt hai ống nhựa dài từ 1 – 1,2m, đường kính khoảng 20cm. Ông Thái giải thích: “Giống cá chình ưa sống trong tối nên phải đặt ống nhựa trong lồng. Với diện tích như trên, giá thành của một lồng nuôi cá chình nhẩm tính khoảng 14 triệu đồng. Lồng có thể thả số lượng tối đa được 300 con. Để nuôi thuận tiện và tiết kiệm, lồng nên được ngăn đôi, cá lớn cho qua một ngăn, cá nhỏ hơn cho qua một ngăn để tránh việc chúng tranh giành thức ăn…”.
Ông Hoàng Văn Thái với nhiều bằng khen về thành tích nuôi cá lồng trên sông Son.
Cũng theo ông Thái, cá chình là giống kén ăn so với các loại cá nước ngọt ăn tạp khác. Thức ăn chính của cá chình là cá bống sông, giun đất, ếch nhái và cua đồng. Cá chỉ ăn thức ăn trong ngày chứ không để lâu. Cá chình chỉ cần cho ăn ngày một lần, với số lượng 150 con trong một lồng từ 3 lạng đến 4kg cho ăn khoảng 3kg thức ăn là đủ. Cá chình nuôi một năm có trọng lượng khoảng 1– 1,5 kg, nuôi trên một năm mới bán được và giá hiện nay là 700 -800ngàn đồng/kg.
Biết cùng đợt tham quan học tập mô hình nuôi cá chình với ông Thái ở Quảng Trị, chúng tôi qua thăm nhà ông Nguyễn Văn Đệ thôn Gia Tịnh, xã Sơn Trạch. Hỏi chuyện nuôi cá chình ông cho biết: “Tui đi cùng đợt tham quan tập huấn với ông Thái, nhưng vì tui nuôi trong hồ nước đọng nên cá chết hết”.
Tuy nhiên, ông Đệ cũng chia sẻ thêm một số kinh nghiệm: “Tui cũng biết con cá chình rõ lắm, nuôi nó là lãi hơn nuôi cá chi hết. Cá chình nuôi ở sông là thích hợp nhất, nước phải chảy thường xuyên và ở nhiệt độ càng lạnh càng tốt, vì vậy mà nó chỉ có ở các con suối trên cao nơi có nhiều hang hốc. Cá chình nuôi ở hồ thì nhanh lớn hơn, nhưng vì nước hồ về mùa hè hay nóng, có khi đáy hồ sâu gần hai mét mà nước vẫn nóng, cá khô nhớt và chết…”.
Theo ông Thái và ông Đệ, hiện nhiều người dân đã nuôi cá chình thành công trên sông Son nhưng khó khăn nhất đối với người nuôi vẫn là nguồn giống. Đến nay chưa có cơ sở nào sản xuất con giống của loại cá này, muốn nuôi phải thu gom từ những người đánh bắt cá trên sông. Giá cả tuỳ thuộc vào trọng lượng cá giống, thường thì con khoảng dưới một lạng giá 50-70 nghìn đồng, 3-7 lạng khoảng 200-350 nghìn đồng...
“Cá chình giống mua về nuôi được đánh bắt bằng túm là tốt nhất vì đánh điện con cá chậm lớn lắm, còn không may mua nhằm cá người ta câu đem ra chợ bán thì không nuôi được. Trước đây, khi cá chết, tôi mổ ra xem gần chục trường hợp đều mắc lưỡi câu ở trong. Cá mắc lưỡi câu khi mua về nuôi phải đến 5-6 tháng sau mới chết. Cá giống mua về nuôi tốt nhất có trọng lượng từ 2 – 3 lạng, cá nuôi nhanh lớn mà giá mua lại rẻ” – ông Thái chia sẻ.