Khu vực bình dân gánh giá điện cao
Với dự thảo biểu giá điện mới giữ nguyên 6 bậc thang tính giá, giới chuyên gia cho rằng bậc thang này bất lợi cho khu vực tiêu dùng bình dân
Bộ Công Thương đang xin ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn gồm 6 bậc có mức giá tăng dần với mục đích khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Lấy giá bán lẻ bình quân làm chuẩn
Theo dự thảo, so với giá bán lẻ bình quân, sử dụng từ 0 - 50 KWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân, từ 51 - 100 KWh bằng 95%, từ 101 - 200 KWh bằng 110%, từ 201 - 300 KWh bằng 138%, từ 301 - 400 KWh bằng 154% và từ 401 KWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Điểm mới của dự thảo này là mức giá của mỗi bậc thang được tính theo tỉ lệ % so với giá bán lẻ điện bình quân, khác với biểu giá điện có mức giá bán cụ thể tính theo đơn vị đồng/KWh như hiện hành. Tuy vậy, nếu tính toán giá người tiêu dùng phải nộp thì mức chênh lệch gần như không đáng kể, tức là vẫn trong khoảng từ 1.484 - 2.587 đồng/KWh.
Song, đáng nói là biểu giá điện 6 bậc ngay từ khi được áp dụng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ người tiêu dùng và phản biện của xã hội nhưng không thấy động thái thay đổi trong bản dự thảo mới nhất này.
Hình minh họa
TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế từng nhiều lần phản biện về biểu giá điện - cho rằng cần phải xem xét cụ thể số liệu, căn cứ tính toán từng biểu giá; nhất là phải quan tâm đến việc so với biểu giá điện cũ thì doanh thu của ngành điện có tăng hay không. Ngoài ra, ông Long cũng góp ý có thể tính đến phương án rút ngắn bậc thang giá điện. Nếu không, cần phải xem xét cẩn trọng ở bậc thang mà nhiều người sử dụng nhất có mức giá hợp lý chưa? So với giá bình quân thì đối tượng tiêu dùng nào được lợi? Khoảng cách giữa các bậc liệu đã hợp lý, hệ số giữa các bậc đó có chênh nhau quá mức không?...
"Biểu giá điện được ban hành trước đây bất cập vì người tiêu dùng thấy mình không lợi mà nhà đèn có lợi. Như thế, cái cần thay đổi mà không thay đổi, vẫn giữ nguyên là bảo thủ" - ông Long nêu quan điểm.
Người hưởng giá thấp chẳng đáng là bao
Về biểu giá điện trong dự thảo mới nhất nêu trên, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng chỉ giữ giá thấp đối với những người cực nghèo, tiêu dùng dưới 50 KWh tức là chỉ có 1-2 ngọn đèn sinh hoạt. "Xã hội hiện đại thì tối thiểu cũng phải có tivi, tủ lạnh, khi đó tiêu dùng điện vọt lên ngay. Cho nên, tốc độ lũy tiến trong biểu giá điện cần phải xem xét lại. Đồng ý tính đúng, tính đủ, công khai các chi phí trong giá điện nhưng phải có mức lũy tiến cho thích hợp. Nếu không, số hộ hưởng giá ưu đãi khi sử dụng dưới 50 KWh điện chẳng đáng là bao, còn phần lớn người tiêu dùng phải chịu giá điện trên 100% giá bán lẻ điện bình quân thì mức giá ưu đãi đó chỉ là nói ra cho đẹp thôi" - TS Doanh nhận xét.
Chỉ cách đây vài ngày, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Tinh thần được đưa ra là trường hợp cần thiết phải tăng giá điện, cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể. Theo giới chuyên gia, dù mức tăng giá điện sắp tới đây là bao nhiêu thì khu vực tiêu dùng bình dân cũng sẽ bị thiệt hại khi vừa chịu giá điện bình quân tăng vừa chịu mức tính lũy tiến trong biểu giá điện.
"Quên" các phương án cải tiến Tháng 3-2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và giới chuyên gia, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến biểu giá điện. Dự thảo đề án đã đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay; quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) ở mức 1.747 đồng/KWh hoặc rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc theo 5 kịch bản. Tuy nhiên, đến nay, bản dự thảo này lại rơi vào "quên lãng" khi không thấy ai đề cập lại hay đưa ra kết luận cuối cùng. Khoảng thời điểm này năm ngoái, Bộ Công Thương cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam trước mắt giữ nguyên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 6 bậc. |