Khu bán nấm tràm - "lộc trời" 30.000- 60.000 đồng/kg tạo nên nơi mua bán nhộn nhịp bên cạnh di tích Huế
Nấm tràm sau khi hái được người dân đưa về tập kết ở không gian bên cạnh di tích đàn Nam Giao (TP Huế) tạo nên chợ bán "lộc trời". Hoạt động mua bán ở đây diễn ra nhộn nhịp từ sáng sớm đến đêm muộn.
Nấm tràm lâu nay được nhiều người dân đặt cho cái tên gọi "lộc trời" vì nó giúp họ mang lại thu nhập thời vụ. Nấm tràm bên ngoài có màu nâu tím, bên trong trắng mịn và vị đắng đặc trưng. Loại nấm này thường mọc ở dưới tán của các khu rừng tràm sau những cơn mưa giông vào dịp tháng 3 và cuối tháng 7 hàng năm.
Tại Thừa Thiên Huế, nấm tràm phát triển mạnh khi những cơn mưa giông xuất hiện nhiều hơn thế chỗ cho cái nắng gay gắt của mùa hè.
Thời điểm này, nhiều hộ gia đình ở các địa phương miền núi như Bình Điền, Bình Thành (thị xã Hương Trà) đổ xô vào rừng để thu, hái nấm tràm.
Nấm sau khi hái được người dân đưa về tập tại khu vực cạnh di tích đàn Nam Giao - nơi chúa Nguyễn tế trời (phường Trường An, TP Huế) để bán. Cũng vì thế, khu vực này bỗng trở nên nhộn nhịp kẻ bán, người mua, tạo nên khu chợ đặc biệt cung ứng “lộc trời”.
Những giỏ nấm tươi ngon được người dân mang đến chợ bán từ sáng sớm sau khi thu hái được từ đêm hôm trước.
Vào cao điểm của mùa nấm tràm, khu chợ này nhộn nhịp từ sáng sớm đến tận đêm khuya.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (trú xã Bình Điền) cho biết, chị bán nấm ở chợ được hơn 3 ngày nay, mỗi ngày bán được khoảng 70-80kg nấm, giá thành dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/kg.
“Những ngày này, các thành viên trong gia đình vào rừng để thu hoạch sau đó về gọt vỏ, sơ chế để mang về chợ bán. Dù mang tính thời vụ tuy nhiên mỗi khi đến mùa nấm tràm giúp mang lại thu nhập cho nhiều người”, chị Hạnh nói.
Theo các tiểu thương, năm nay nấm tràm được mùa và được cả giá.
Theo tìm hiểu, nấm tràm có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như dùng để nấu với rau khoai, ngọn bí, nấu chung với tôm hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt... Nấm tràm có vị đắng đặc trưng, tuy nhiên lại là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Được biết, để tạo điều kiện cho việc buôn bán, phường Trường An tập trung những người bán nấm về tại một góc bên cạnh di tích đàn Nam Giao, tại đây họ được thuê dù lớn để ngồi. Điều này cũng khiến cho việc mua bán diễn ra đảm bảo trật tự, không còn cảnh lộn xộn, nhếch nhác như trước đây.
Nhìn hình thù của viên đá này, nhiều người lầm tưởng đó là một miếng thịt ba chỉ.
Nguồn: [Link nguồn]