Không thể nhập siêu 20 tỷ USD từ TQ không qua kiểm soát

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà chúng ta công bố.

Đại biểu Mai Hữu Tín (tỉnh Bình Dương) dẫn riêng số liệu của năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% (tương ứng với 4 tỷ USD) so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Có nghĩa là riêng năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà chúng ta công bố.

Nhập siêu 20 tỷ USD không qua kiểm soát có sức công phá nền kinh tế kinh khủng

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm (tỉnh Thái Bình).

Thưa ông, câu chuyện nhập siêu hàng Trung Quốc không phải là vấn đề mới đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, con số nhập siêu 20 tỷ USD không qua hệ thống kiểm soát vừa được một đại biểu phát biểu trước Quốc hội là một con số “khủng khiếp”. Ông nhận xét ra sao trước thông tin này?

Ngay sau khi nghe thông tin này, tôi đã trao đổi với đại biểu Bùi Quang Vinh (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư) để có thêm thông tin bởi thực tế lượng hàng hóa nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị lớn là có thật, không thể chối cãi. Mình có buôn lậu qua biên giới, quản lý lại lỏng lẻo nhưng con số 20 tỷ USD thì tôi cho rằng không lên tới con số ấy. Nếu thực sự Việt Nam nhập siêu 20 tỷ USD hàng hóa không qua kiểm soát thì sẽ phá vỡ nền kinh tế kinh khủng lắm rồi.

Đồng thời, như Bộ trưởng Vinh cũng đã giải thích những số liệu của hai bên cũng không chuẩn xác và phương pháp tính của Việt Nam cũng khác của Trung Quốc nên nhiều khả năng chỉ chính xác 50-60%.

Theo ông, việc tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc ngày một tăng cao mà nhiều năm qua vẫn không giải quyết được, lý do nằm ở khâu nào?

Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó phát triển do bị ép giá. Hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam tuy chất lượng kém nhưng giá thành lại thấp nên đã giết chết sản xuất trong nước. Nền sản xuất vì thế mà bị thui chột, doanh nghiệp phá sản nhanh. Tình trạng buôn lậu hàng hóa giá trị lớn tới hàng chục tỷ USD đã công khai kéo dài, trong khi việc kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam lại quá lỏng lẻo, doanh nghiệp chân chính không thể cạnh tranh nổi.

Sở dĩ Việt Nam không đẩy lùi được hàng hóa Trung Quốc là bởi chúng ta khó khăn khi muốn đầu tư khoa học kỹ thuật, thủ tục phiền hà. Đặc biệt chi phí giá thành của ta rất cao do đường sá, giao thông, lệ phí rất nhiều.

Ngoài ra phải kể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, hải quan… đã để lỗ hổng lớn, không phát hiện được hàng gian, hàng lậu hoặc phát hiện được thì lại không xử lý được.

Theo ông, giải pháp trước mắt để đẩy lùi hàng Trung Quốc, cải thiện cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc là gì?

Chúng ta bắt buộc phải đi bằng hai chân, phải ngay lập tức nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Muốn giảm giá thành, giảm chi phí thì phải tập trung đầu tư khoa học công nghệ. Mặt khác phải chống buôn lậu một cách quyết liệt, đồng thời có hàng rào thuế quan, kỹ thuật chặt chẽ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A: Những sự bất thường trong số liệu thống kê

Theo lẽ thường, xuất khẩu của nước A sang nước B phải bằng nhập khẩu của B từ A và xuất siêu của A phải bằng nhập siêu của B.  Nhưng do việc tính giá nhập khẩu (gồm thêm các phí bảo hiểm, vận tải,…) và giá xuất khẩu (chưa có phí bảo hiểm, vận tải) theo các đồng tiền khác nhau và nhiều nguyên nhân khác nữa, nên các số liệu xuất của nước A vào nước B và số liệu B nhập từ A thường vênh nhau và đây là chuyện rất bình thường và có cách để hiệu chỉnh.

Tuy nhiên, con số xuất do Trung Quốc tính (63,7 tỷ USD) và nhập do Việt Nam ghi nhận (43,9 tỷ USD) lại chênh nhau quá nhiều (19,8 tỷ USD) cũng như sự vênh giữa xuất siêu theo cách tính của Trung Quốc (43,8 tỷ USD) và nhập siêu do Việt Nam ghi nhận (29 tỷ USD) là quá lớn (14,8 tỷ USD)  nên mới làm nóng dư luận.  Những sự chênh lệch quá lớn này không thể được giải thích bằng những cách thông thường và khó có thể hiệu chỉnh theo thông lệ.

Rõ ràng căn bệnh nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng trầm trọng từ cả chục năm qua và phải có những giải pháp vĩ mô để chữa trị.

Số liệu thống kê của cả hai nước vẫn không đáng tin cậy như thế giới đã từng phàn nàn; tuy cả hai đã có những cố gắng theo tập quán thống kê quốc tế. Việt Nam cần cải thiện và theo sát các tập quán quốc tế về thu thập và xử lý số liệu thống kê, nhất là cơ quan thống kê phải là cơ quan độc lập chỉ hoạt động theo đúng chuyên môn.

Ngoài ra, có những giao dịch không được ghi nhận (biên mậu, buôn lậu, xuất lậu than, quặng, chuyển giá để tham nhũng,…)  được phản ánh một phần trong những chênh lệch này. Trong đó có những khoản nên khuyến khích và có thể ước lượng được (như biên mậu) trong khi những khoản còn lại cho thấy sự quản lý yếu kém.

Theo số liệu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp, Việt Nam có 62 cửa khẩu biên giới, trong đó, 29 cửa khẩu với Trung Quốc tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, nước ta còn có trên 43 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở và 30% trong số đó là giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN