Không thể chấp nhận nghịch lý

Petrolimex lỗ lớn, lương cao: Không thể chấp nhận. Đó là nhận định của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - người vừa có phát biểu về những bất cập trong kinh doanh xăng dầu tại Quốc hội.

Bà Nga đã trả lời báo xung quanh việc Petrolimex dù lỗ và thị phần giảm trong năm 2011 nhưng tổng quỹ tiền lương tăng 1,6% so với năm 2010.

Bà Nga nói: “Trước đây tôi đã nói về EVN luôn kêu lỗ, nhưng lại xin trích thưởng một khoản rất lớn, cũng là lương cao lỗ nặng. Bây giờ đến lượt Petrolimex. Đối với doanh nghiệp nhà nước thì nguyên tắc là lương, thu nhập phải tương ứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh. EVN hay Petrolimex không phải doanh nghiệp tư nhân, đây đều là những tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn của Nhà nước, nghĩa là tiền ở đây của Nhà nước, của nhân dân, chứ không phải tiền của riêng cá nhân hay của riêng đơn vị đó. Vậy mà lỗ lớn nhưng lương cao thì cả đại biểu Quốc hội và cử tri đều không thể chấp nhận được. Về mặt quản lý nhà nước cũng không thể cho phép tình trạng này”.

"Những kết quả kiểm toán tại SCIC, EVN, Petrolimex... cần được công khai, như vậy người dân mới biết các doanh nghiệp đó sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, những đồng tiền từ thu thuế của dân như thế nào, lỗ lãi ra sao".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Theo bà Nga, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được mệnh danh là “quả đấm thép” của nền kinh tế, gánh trách nhiệm rất lớn, vì vậy tất cả các khoản phải công khai, minh bạch cho công luận và các bên liên quan biết để giám sát. Những kết quả kiểm toán tại SCIC, EVN, Petrolimex... cần được công khai, như vậy người dân mới biết các doanh nghiệp đó sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, những đồng tiền từ thu thuế của dân như thế nào, lỗ lãi ra sao. Nếu lỗ như thế thì có xứng đáng đứng đầu những doanh nghiệp lớn không, hay để cho người khác làm thì sẽ phát huy tốt hơn hiệu quả đồng tiền của dân?

Nhận xét về chuyện lãi lỗ trong kinh doanh xăng dầu, bà Nga cho rằng đây không chỉ là việc riêng của doanh nghiệp mà liên quan trực tiếp đến túi tiền của người dân và ngân sách của Nhà nước. “Ví dụ, khi các doanh nghiệp xăng dầu chiếm thị phần lớn kêu lỗ, diễn biến sau đó ai cũng đoán được có thể là giá bán phải tăng, người tiêu dùng phải chịu; hoặc là Nhà nước phải giảm thuế...” - bà Nga nói.

Theo bà Nga, quy định pháp luật hiện hành, Nhà nước phải xác minh tính xác thực thông tin mà doanh nghiệp công bố, chứ không phải muốn như thế nào cũng được. Chúng ta làm chưa tốt việc công khai. Phải sử dụng tốt hơn nữa công cụ kiểm toán trong vấn đề này. “Trước tình trạng mập mờ về lỗ lãi của doanh nghiệp, trả lời của cơ quan quản lý còn lúng túng và chưa thuyết phục. Khi cổ phần hóa, đề nghị khen thưởng thì báo lãi. Khi cần ngân sách bù, cần tăng giá thì báo lỗ. Theo Luật kế toán thì lỗ hay lãi chỉ có một sự thật được minh chứng bằng con số trung thực. Phải chăng việc công bố lỗ, lãi của doanh nghiệp không phụ thuộc Luật kế toán mà phụ thuộc vào mục đích công bố để làm gì? Chúng tôi cho rằng trước hết doanh nghiệp có trách nhiệm công bố thông tin, nhưng trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan chức năng là kiểm tra tính xác thực của những thông tin đó” - bà Nga nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VÕ VĂN THÀNH (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN