Không thể chấp nhận kinh doanh xăng dầu kiểu ''lời ăn, lỗ nghỉ bán''

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thời gian qua, nhiều cây xăng cho rằng nguồn cung khó khăn, càng bán càng lỗ nên tạm thời đóng cửa hàng. Các chuyên gia cho rằng hành xử như vậy là đi ngược lại thị trường, không thể chấp nhận.

Đại lý nói thiếu, Bộ Công thương nói không

Thời gian qua, một số chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên cả 3 miền cho biết chiết khấu các mặt hàng xăng dầu vẫn 0 đồng và âm. Đặc biệt, dầu diesel thì không có hàng để bán trên diện rộng, nhiều đầu mối hứa với cửa hàng sang tuần mới có hàng về.

Trên các diễn đàn xăng dầu, nhiều chủ cửa hàng xăng dầu chia sẻ thông tin hiện mức chiết khấu cho các đại lý xăng dầu bằng 0, thậm chí âm mà dầu vẫn không có hàng. "Hiện tại, cả xăng và dầu đều không có để lấy hàng. Công ty báo tuần sau hàng mới về", một chủ tài khoản chia sẻ.

Nhiều đại lý xăng dầu găm hàng, bán nhỏ giọt khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Nhiều đại lý xăng dầu găm hàng, bán nhỏ giọt khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Trong khi đó, theo Bộ Công thương, 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang gánh 80% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước và bảo đảm nguồn cung hoạt động đủ. Bên cạnh đó, nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp cũng có mức dự trữ thoải mái, vượt nhu cầu tiêu dùng.

Hiện tại, giá xăng nhập khẩu đang cao hơn giá bán trong nước khoảng 400 - 600 đồng/lít, dầu diesel đắt hơn đến 2.500 đồng/lít. Các chuyên gia cho rằng, phản ứng của thị trường là do nhà phân phối, đầu mối sợ lỗ, đặc biệt giá dầu trong nước và thế giới đang chênh nhau quá lớn, hàng bán ra lúc này, chờ đến khi giá mới điều chỉnh tăng mạnh, mức lỗ sẽ cao hơn.

Theo tính toán thì ngày 1/9 (thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu mới theo quy định) do rơi vào ngày nghỉ của cả nước, dự kiến cơ quan điều hành có thể dời sang ngày 5/9. Như vậy, những căng thẳng, bát nháo của thị trường này có thể càng kéo dài thêm.

Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính), vận hành theo cơ chế thị trường mà cửa hàng xăng dầu kêu than không lãi, không có nguồn hàng là vô lý. Hai nhà máy lọc hóa dầu gánh hết 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước, nghĩa là chúng ta chủ động được nguồn cung. Không thể có chuyện không có nguồn hàng. Việc cửa hàng xăng dầu nghỉ bán hoặc bán cầm chừng, chờ đến kỳ điều hành giá mới, sẽ đẩy tình trạng khan hàng lên cao.

"Ai cũng biết nguồn cung không thiếu, Bộ nói không thiếu, dữ liệu chúng ta xem cũng không thiếu, vậy tại sao các tổng đại lý không có hàng về kịp mấy ngày liền cho đại lý bán lẻ? Đã đến lúc ngành xăng dầu nên được quản lý minh bạch và hướng đến thị trường thế giới nhiều hơn", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đặt câu hỏi.

Theo dự báo, giá xăng dầu trong kỳ tới (ngày 1/9) sẽ tăng mạnh. Hiện giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 200-400 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 2.000-3.000 đồng/lít. Do vậy, nếu nhà điều hành trong chi sử dụng Quỹ bình ổn thì giá xăng dầu trong nước sẽ tăng tương ứng. Hiện tại, giá bán các loại xăng dầu trong nước áp dụng theo mức giá điều chỉnh từ 15h ngày 22.8. Giá xăng E5 RON 92 giữ nguyên ở mức 23.720 đồng và xăng RON 95 cũng giữ nguyên ở mức 24.660. Còn giá các mặt hàng dầu thì đồng loạt tăng.

Cứ trước khi tăng giá là "ém hàng"

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cách thức điều hành hệ thống xăng dầu gần đây đã bộc lộ ra nhiều vấn đề, thiếu linh hoạt. Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên cao. Khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ rơi vào thua lỗ nếu bán với giá quá thấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải bán cầm chừng, thậm chí treo biển hết hàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trước mỗi kỳ điều hành giá được dự báo tăng, đâu đó xuất hiện tình trạng "ém hàng", chờ sau khi điều chỉnh mới tung ra. Kỳ trước các đầu mối báo hết hàng, nhập hàng về không kịp..., thế nhưng sau khi điều chỉnh tăng giá, các biển báo "hết hàng" tại một số đại lý nhỏ cũng biến mất, thị trường trở lại nhịp bình thường. Thực trạng này kéo dài những chưa có giải pháp cụ thể.

Doanh nghiệp lỗ nên đầu mối, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý bán ra nhỏ giọt, chờ hàng lên cao mới bán để bớt lỗ. Nếu chúng ta điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn, không quá cứng nhắc thì hạn chế được tình trạng găm hàng.

Xăng dầu cần được vận hành theo thị trường tự do. Để tránh sự méo mó không cần thiết của thị trường, tránh tối đa hành vi trục lợi, không có cách nào khác là chúng ta phải xây dựng một thị trường xăng dầu công khai, minh bạch. Các thông tin kinh doanh của các đầu mối xăng dầu cần được minh bạch. Cần mở rộng cạnh tranh bình đẳng, công bằng và quyền tiếp cận nguồn hàng nhập khẩu cho mọi đại lý.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, về lâu dài phải đàm phán lại những vấn đề liên quan dự án lọc dầu Nghi Sơn. Nền kinh tế thị trường thì nguồn vốn do doanh nghiệp tự lo và chịu trách nhiệm. Dự án lọc dầu Nghi Sơn được hỗ trợ từ phân phối, bao tiêu sản phẩm, bù lỗ khi giá giảm. Do vậy dù giá dầu thế giới ra sao, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Hàng hóa đảm bảo sản xuất và đời sống người dân nên doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm với người dân, cộng đồng cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Chính phủ và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện thuận lợi, đưa ra nhiều ưu đãi cho 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn. Thê nhưng, dù 2 nhà máy lọc hóa dầu này là đơn vị sản xuất nhưng cũng có quyền kinh doanh, do đó, các nhà máy lọc hóa dầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong đảm bảo cung ứng xăng dầu.

Đối với những cây xăng găm hàng, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành thanh tra, rà soát để xử lý tình trạng này. Nếu có các vi phạm cụ thể thì cần tiến hành xử lý ngay. Việc này không chỉ nhằm quản lý tốt hoạt động kinh doanh xăng dầu, tránh hành vi trục lợi mà còn góp phần đảm bảo lòng tin của người dân.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá xăng có thể tăng 2.000 đồng/lít sau dịp nghỉ lễ 2/9

Nhiều khả năng giá xăng trong nước sẽ tăng hoảng 2.000 đồng/lít trong kỳ điều hành tới do những diễn biến bất thườngcủa giá dầu thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hội ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN