Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công thương chưa tăng giá điện trong hai quý đầu năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo chưa thực hiện tăng giá trong quý I và II đối với cá mặt hàng đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá, như giá điện.

Sáng 12/3, Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 39 ở Việt Nam. Bệnh nhân là nam, sinh năm 1995, là hướng dẫn viên du lịch đã tiếp xúc với khách du lịch người Anh đi chuyến bay VN0054.

Tính đến nay, đã có 12 tỉnh thành trên cả nước công bố những ca nhiễm Covid-19 gồm Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Huế và Bình Thuận. Trong số 39 ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam hiện đã có 16 ca được chữa khỏi hoàn toàn.

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã có chỉ thị 06/CT-BCT ngày 11/3 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương.

Các doanh nghiệp đang tích cực cùng người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19

Các doanh nghiệp đang tích cực cùng người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp cùng các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý.

Trong đó, Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị liên quan được chỉ đạo chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do nhà nước định giá, như giá điện.

Vụ Thị trường trong nước được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, đảm bảo đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đề nghị các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là các địa phương có dịch bệnh.

Chỉ đạo đôn đốc các địa phương có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng.

Vụ Thị trường trong nước cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất phương án tổ chức phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ.

Nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới. Tích cực khai thác cơ hội của các HIệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ tài chính, cùng các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi.

Tổng Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, đặc biệt là đối với các mặt hàng phòng chống dịch và nhu cầu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân. Xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong giai đoạn hiện nay và phải được ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan được giao rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, báo cáo đề xuất với lãnh đạo Bộ để xem xét, tạm hoãn tất cả các chuyến công tác nước ngoài, không cử cán bộ đi học tập, trao đổi, công tác nước ngoài trong thời điểm hiện tại (nhất là những nước và vùng lãnh thổ có dịch), trừ các sự kiện đặc biệt hoặc hội nghị quan trọng phải báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Đối với các đoàn đã hoàn thành chuyến công tác ngước ngoài thì rà soát địa điểm, thời gian, đối tượng làm việc để báo cáo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 12/3: Vàng vọt tăng mạnh mẽ khi COVID-19 thành đại dịch toàn cầu

Sáng nay giá vàng thế giới quay đầu tăng mạnh trở lại trong bối cảnh các nước cắt giảm lãi suất và WHO tuyên bố COVID-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN