Không dám đến siêu thị, bà nội trợ vẫn đủ món ngon, bổ, rẻ nhờ những nguồn hàng này
Do dịch COVID-19 rất phức tạp, không ít bà nội trợ không dám “bén mảng” đến chợ, siêu thị nhưng nhờ đặt hàng online tại các hội, nhóm trên mạng xã hội, các bữa ăn gia đình vẫn đáp ứng đủ tiêu chí ngon, bổ, rẻ.
Những ngày qua, mặc dù nỗ lực chống dịch, chặt đứt nguồn lây bằng nhiều biện pháp như xét nghiệm diện rộng, tiêm vaccine, bảo vệ nghiêm ngặt "vùng xanh", khoanh vùng, truy vết triệt để các trường hợp liên quan F0… nhưng số ca dương tính ghi nhận ngoài cộng đồng vẫn không có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Trước tình hình dịch vô cùng phức tạp, đặc biệt là nhiều ca mắc ngoài cộng đồng được phát hiện tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối – nơi rất khó khăn trong công tác truy vết, đồng thời, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 về giãn cách xã hội, không ít bà nội trợ tại Thủ đô đã không dám "bén mảng" đến những nơi đông người như chợ, siêu thị.
Chị Nguyễn Thị Thúy (37 tuổi, ở tòa A chung cư CT7, KĐT mới Dương Nội, quận Hà Đông) là điển hình.
Một bài đăng "giải cứu" trứng được đăng tải trong nhóm cộng đồng cư dân CT7 được chị Thúy ghi lại. Ảnh: NVCC
Thay vì đến chợ hoặc siêu thị để xếp hàng mua thực phẩm thì chị Thúy lại lựa chọn cách mua gom chung để có giá rẻ và an toàn.
Chị Thúy cho biết: "Khu chung cư tôi sống có 8 tòa nhà, từ trước tới nay, ngoài việc ra chợ hay siêu thị để lựa chọn hàng hóa thì nhóm cư dân sinh sống tại cụm chung cư CT7 hoạt động rất sôi nổi. Chủ yếu là đăng bán các mặt hàng hóa thiết yếu".
Do đó, từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, gia đình chị Thúy gần như chỉ lựa chọn thực phẩm trên hội chung cư. Vừa được lựa chọn đồ tươi, mới, vừa được an toàn trước dịch COVID-19. Bởi chỉ cần để lại số căn hộ, cùng tòa nhà dưới phần bình luận, người bán hàng sẽ chủ động đưa hàng đến đặt tại sảnh tòa nhà. Còn tiền hàng thì chỉ cần chuyển khoản.
Do dịch COVID-19 rất phức tạp, không ít bà nội trợ không dám “bén mảng” đến chợ, siêu thị, nhưng nhờ đặt hàng online tại các hội, nhóm trên mạng xã hội, nhiều bà nội trợ vẫn có được hàng hóa giá hợp lý, mà đảm bảo chất lượng. Ảnh: NVCC
Chị Thúy cho biết: "Bằng cách mua hàng này, tôi cảm thấy rất an toàn, chưa kể hàng hóa đặt mua cũng đảm bảo được giá cả, không hề bị tăng giá. Đó chưa kể, có những gia đình đặt hàng ở quê và kêu gọi mua chung hoặc những người kêu gọi mua hỗ trợ giải cứu với giá rất "hỗ trợ"".
Cũng theo chị Thúy, đơn cử như mặt hàng thịt lợn quê, bánh chưng, rau sạch…, nhiều người không thường xuyên bán hàng nhưng tận dụng thời gian giãn cách cũng "tranh thủ" kêu gọi "giải cứu" hàng hóa cho gia đình ở quê nhà, bằng cách "mua chung, gom chung" các đơn hàng.
"Hầu hết người bán đều đưa ra mức giá hỗ trợ nhau. Điều này không những giúp chúng tôi mua được hàng giá rẻ hơn mà còn đảm bảo chất lượng", chị Thúy chia sẻ.
Một bài "giải cứu" nhãn được đăng tải trong hội cư dân CT7, khu đô thị mới Dương Nội với giá "hỗ trợ" chỉ 45.000 đồng/5kg. Bằng cách "tận dụng" hàng giải cứu, hàng mua chung này, chị Thúy cùng nhiều bà nội trợ khác tại Dương Nội vừa có được hàng ngon, bổ, rẻ, vừa đảm bảo an toàn trước dịch. Ảnh: NVCC
Chị Hoàng Thị Thương (33 tuổi, ở chung cư EcoGreen, 286 Nguyễn Xiển, Thanh Trì) cũng tương tự.
Mặc dù dưới tầng hầm của khu chung cư có siêu thị rất lớn, người mua hàng có thể xếp hàng mua theo thẻ luân phiên hoặc liên hệ hotline, các đơn hàng sẽ được hỗ trợ giao đến tận cửa căn hộ nhưng để an toàn trước dịch COVID-19, số lượng đơn hàng thiết yếu của chị Thương phần nhiều đến từ nhóm cộng đồng những người sinh sống trong khu chung cư.
"Gia đình tôi ủng hộ việc mua hàng hóa thiết yếu từ nhóm cộng đồng chung cư. Bởi hầu hết, những người bán hàng trong nhóm này đều là những địa chỉ bán hàng uy tín. Hơn nữa, đây cũng là cách giúp đỡ nhau tiêu thụ hàng hóa trong đại dịch", chị Thương cho hay.
“Hồng Hạ Vân Sín Sủ” - cây lan đột biến ở Điện Biên được đồn có giá lên tới 46 tỉ đồng vừa được chủ nhân...
Nguồn: [Link nguồn]