Không cứu 'nhà giàu'
Hàng loạt hiệp hội, ngành hàng như xi măng, sắt thép, ô tô, phân bón, thủy sản đồng loạt kêu cứu như “hội chứng” từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định, kêu cứu đúng chỉ có thủy sản, và đây là ngành hàng cần phải cứu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những ngành phát triển trên cơ sở ưu đãi, thuận lợi từ nhà nước giờ phải tái cơ cấu, thu hẹp lại, thậm chí bỏ đi, hoặc phải để cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Theo đuổi những ngành dựa trên ưu đãi và bảo hộ không phải là con đường phát triển thời gian tới.
Kêu cứu dây chuyền
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5/2012, sản lượng bán hàng đã giảm tới 32% so với cùng kỳ 2011, và tính chung 5 tháng, sản lượng giảm tới khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. VAMA cho hay, đang đề xuất Chính phủ thực hiện một số biện pháp như hủy bỏ đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, giảm mức lệ phí trước bạ... để “vực dậy” doanh số.
Trước đó, cuối tháng 5, Hiệp hội Xi măng cũng có văn bản gửi Chính phủ và Quốc hội, đề nghị một loạt giải pháp hỗ trợ. Như được giãn các khoản vay nợ nước ngoài, cơ cấu lại danh mục nợ; khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ các khoản vay trong nước đã đến hạn; hạ lãi suất cho vay; giảm thuế VAT xuống còn 5% như thời điểm 2008 - 2009... Cùng với xi măng, Hiệp hội Thép và Hiệp hội Phân bón cũng nhiều lần đưa ra thông điệp đề nghị được “giải cứu”...
Song, tiếng kêu “thống thiết” nhất có lẽ là của ngành thủy sản. Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đến thời điểm này đã có 20% số doanh nghiệp (DN) trong ngành thủy sản dừng hoạt động. Ngành hàng cá tra được nhận định ảm đạm hơn cả so với toàn ngành thủy sản. Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt, lãi suất cao trong một thời gian dài đã làm hàng loạt DN cá tra suy yếu. Hiện chỉ còn khoảng 20% DN ngành này tồn tại và phát triển bình thường, 80% DN trong tình trạng khó khăn, 30% trong số này ở trạng thái… “hấp hối”. Ông Minh cho biết từ đầu năm đến nay, các nhà máy không những không tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép thu hồi vốn vay trước đó, khiến các DN trong ngành tìm mọi cách bán hàng ra nhanh nhất có thể. “Một mình một chợ mà vẫn phải phá giá, ồ ạt chào bán với giá thấp ở hầu hết các thị trường để kịp đáo nợ. Hậu quả là cá tra nguyên liệu trong nước xuống tới mức nông dân không có lãi, DN muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn”, ông Minh cho biết.
Sau cá tra, tôm là mặt hàng thứ hai gặp tình trạng thiếu vốn vẫn phải lo chạy nợ. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), ngoài vấn đề lãi suất, tín dụng, nguyên nhân khiến ngành thủy sản đang “chết dây chuyền” là do chi phí chế biến, sản xuất (nhân công, nguyên liệu, thuế, phí…) ở Việt Nam hiện quá cao. “Một container thủy sản xuất đi Nhật hiện nay còn rẻ hơn đưa về TP.HCM… thì DN còn gì lãi”, ông Lĩnh bức xúc.
Ngoài những giải pháp Vasep yêu cầu DN tự cứu mình, thông qua Ngân hàng Phát triển, Vasep vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận 3 đề xuất cứu ngành cá tra, gồm gia hạn nợ; cho các DN, nhà máy chế biến vay tiền thu mua nguyên liệu hoặc tự xây dựng vùng nguyên liệu, thu hồi vốn vay theo hợp đồng XK; Cơ cấu lại sản xuất, tài chính....cho các DN có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động.
Ô tô là ngành đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách. (Ảnh minh họa)
Không cứu “nhà giàu”
Trong khi đang chờ Chính phủ xem xét và quyết định, hàng loạt các đề xuất giải cứu của các hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần thận trọng xem xét đầy đủ để ra quyết định nên cứu các DN, ngành hàng nào. Kêu là chuyện của DN, ngành hàng trong bối cảnh khó khăn, nhưng khi Chính phủ quyết định cứu thì phải công bằng và đúng đối tượng dựa trên mặt bằng chung, và xem nguyên nhân, gốc rễ của những khó khăn đó là do đâu.
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, cho rằng đối với những ngành lớn như thép, xi măng, phân bón… cứu bây giờ thì rất khó. Vì quy mô của hộ lớn hơn rất nhiều so với DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, những khó khăn của họ hiện nay là vấn đề cơ cấu, cốt lõi, không phải là bây giờ mới xảy ra mà đã tồn tại khá lâu. Trước đây, xi măng, sắt thép, phân bón đã quen được nhà nước hỗ trợ, giờ khó khăn lại kêu Nhà nước cứu thì không công bằng. Xi măng là ngành được hưởng lợi từ sự bảo hộ và chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặt giá rất cao trên đầu người tiêu dùng VN bao nhiêu năm nay. Giá sản xuất trong nước cao hơn giá nhập khẩu, người tiêu dùng đã phải chịu thiệt để các DN có lợi. Nếu cứu và để vực lại những ngành cạnh tranh cũng lại kém hiệu quả thì sau này họ có hoạt động cạnh tranh hiệu quả được không, hay vẫn tiếp tục là gánh nặng cho nền kinh tế. Khi nước ta mở cửa thị trường cạnh tranh hơn nữa những năm tới đây theo cam kết quốc tế thì thỉnh thoảng họ lại kêu, Nhà nước lại phải cứu thì không được. Đề xuất cứu ngành xi măng bằng tín dụng không nên được đồng ý, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng, không nên đặt vấn đề cứu ngành ô tô, vì đây là ngành đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách. Trong suốt những nhằm dài, Việt Nam đã bảo hộ cho những liên doanh mà thực chất là lắp rắp, bảo hộ bằng hàng rào thuế quan cao, ngăn chặn ô tô nước ngoài nhập khẩu vào, gây thua thiệt cho người tiêu dùng. DN hoạt động trên nguyên tắc cạnh tranh thị trường, có lúc trồi, lúc sụt thì các DN phải tự chịu. Hai nữa là những DN được bảo hộ, hỗ trợ từ cơ chế thì không nên đòi hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Trong các ngành kêu cứu hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành thủy sản là đáng quan tâm hơn cả. Đây là ngành lâu nay phát triển dựa trên nỗ lực của người nuôi cá, của nông dân, các DN mà phần lớn là tư nhân, họ không phát triển bằng hỗ trợ, đồng vốn, những điều kiện dễ dãi của nhà nước. Ngành thủy sản rất đáng cứu, bởi có số đông nông dân đang hoạt động, có đóng góp nhiều cho đất nước. DN phần đông tư nhân tự hoạt động, số phận của DN gắn với số phận của nông dân. Đóng góp của ngành này rất lớn. Cũng theo thống kê của các chuyên gia, tính chung 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dù khó khăn bủa vay vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 2,31 tỷ USD, tăng 5,73% về lượng và 9,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, cá tra xuất khẩu chiếm 53% về lượng và 32,5% về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đây là điều đáng ghi nhận và càng đáng “cứu”.
Nguy cơ mất thị trường Nhật Bản Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban tôm cảnh báo, các nhà xuất khẩu tôm VN đang đứng trước nguy cơ mất thị trường Nhật, do liên tiếp các lô hàng tôm bị phía Nhật cảnh báo mức tồn dư những loại hóa chất vượt mức cho phép. Giá trị thực các lô hàng bị phía Nhật trả lại trong năm 2011, theo ông Lực lên đến hơn 30 triệu USD. Trước tình trạng này, đại diện Vasep cho rằng, cần tiếng nói từ phía Bộ NN-PTNN, đề nghị phía Nhật Bản nâng mức cho phép trong tiêu chuẩn tồn dư một số hóa chất của cơ quan kiểm soát chất lượng thủy sản. Vì theo các doanh nghiệp, mức yêu cầu của Nhật Bản hiện là quá sức của họ. |