'Không có chuyện người Việt uống bia nhất thế giới'
Người Việt sử dụng chất có cồn bình quân đầu người (từ 15 tuổi trở lên) là 6,6 lít/người/năm.
Theo Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) trong sáu tháng đầu năm 2017, ngành đồ uống có mức tăng về chỉ số sản xuất là 8,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng bia các loại của cả nước ước đạt 1.838,6 triệu lít, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó Sabeco đạt 818,9 triệu lít, tăng 2,3 %; Habeco đạt 319,6 triệu lít, tăng 5,4 % và các doanh nghiệp FDI đạt 700,1 triệu lít, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
VBA dẫn báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy năm 2014 Việt Nam sử dụng các chất có cồn tính theo độ cồn tuyệt đối trên đầu người (từ 15 tuổi trở lên) là 6,6 lít/người/năm. Xếp vị trí 94/194 các nước thành viên WHO, đứng thứ 11 ở Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ở mức dưới trung bình của các nước trên toàn thế giới.
Các chất có cồn Việt Nam sử dụng chủ yếu là bia, xếp vị trí 52 so với các nước trên thế giới và khu vực. "Do đó, thông tin nói Việt Nam đứng hàng đầu thế giới và khu vực về uống bia là chưa chính xác", VBA nhận định.
Người Việt uống bia chỉ xếp thứ 52 so với thế giới và khu vực
Theo quy hoạch phát triển ngành bia rượu nước giải khát Việt Nam đến 2025 tầm nhìn 2035 của Bộ công thương cho thấy mục tiêu vào năm 2020, cả nước sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia, 6,8 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD.
Bộ Công Thương cũng cho hay trong năm 2017 sẽ thực hiện bán vốn nhà nước Sabeco, Habeco và hiện đang hoàn thiện tờ trình phường án thoái vốn.
Hiện Nhà nước đang sở hữu 89,59% vốn Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Hai doanh nghiệp này chiếm khoảng 60% thị phần bia, trong đó Sabeco chiếm đến hơn 40% thị phần.