Không chỉ bạch tuộc, cá và mực cũng được "tái sinh" bằng hóa chất

Để giữ cho cá và các loại hải sản khác được tươi lâu, đẹp mắt, thậm chí biến ươn thành tươi, một số tiểu thương đã không ngần ngại sử dụng hóa chất để tẩm ướp.

Mới đây, một cơ sở sơ chế hải sản phía sau chợ Long Biên (Hà Nội) đã bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng hóa chất công nghiệp để sơ chế bạch tuộc. Với các loại hóa chất được sử dụng, nhân viên chỉ cần "hô biến" trong 30 phút để bạch tuộc đen thành trắng.

Sự việc đã khiến người tiêu dùng khiếp sợ khi đi mua hay sử dụng loại hải sản này. Tuy nhiên, công nghệ biến ươn thành tươi hay giữ hải sản tươi lâu bằng hóa chất không chỉ được sử dụng với bạch tuộc, cá, mực và một số loại hải sản khác cũng được một số tiểu thương "tái sinh" bằng cách này.

Không chỉ bạch tuộc, cá và mực cũng được "tái sinh" bằng hóa chất - 1

Cần quan sát kỹ đặc điểm của hải sản trước khi mua.

Mực ươn, thối được "phù phép" trở nên tươi ngon

Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ lớn tại Hà Nội như: chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Long Biên, Ngọc Lâm,… các loại hải sản được bày bán rất nhiều, nhất là các loại mực tươi. Với giá giao động từ 150 nghìn đồng/kg đến 260 nghìn đồng/kg tùy loại lớn nhỏ, mực tươi được nhiều bà nội chợ chọn mua để chế biến các món ăn.

Mặc dù đã được cảnh báo về chiêu trò của thương lái phù phép mực ươn, mực thối thành mực tươi, tuy nhiên nhiều bà nội trợ vẫn bị lừa, bị móc túi bởi công nghiệp "tắm" trắng cho mực quá tinh xảo.

“Mực tại các chợ sở dĩ có màu bắt mắt, giữ được độ tươi là do người bán sử dụng hóa chất, hóa chất đó có thể là ô xi già để biến mực thối thành tươi, là đạm u rê hay bột đắng để giữ hải sản “tươi mới” được lâu…” - một "cựu" tiểu thương chuyên bán hải sản cho biết.

Theo "mách nhỏ" của người bán hàng, muốn tôm, cá mực hay thịt các loại tươi lâu, màu đẹp hơn, chỉ cần trộn một ít bột đắng vào là có thể giữ đến mấy ngày không sao. "Hàng tôi bán sỉ đi các tỉnh rất nhiều, ở thành phố chỉ bán lẻ theo nhu cầu thôi", người bán hàng cho biết.

Tôm, cá được ướp urê để giữ tươi lâu

Sau khi lấy hàng từ các tàu cá xuống, các chủ vựa sẽ cho vào chậu nước có chứa urê để ngâm, sau đó mới cân cho các mối hàng mang đi bán lẻ.

Một người bán hàng lâu năm tại chợ cho hay, các loại cá bày bán ở đây đều ngâm urê ít nhất 2 lần để bảo quản. Chưa kể, lúc đi bán lẻ, bị ế, người bán phải ngâm thêm một lần nữa để giữ cá. Tuy nhiên, so với bảo quản hải sản bằng urê thì việc dùng thuốc tẩy Javen để ngâm hải sản còn rợn người hơn. Chỉ trong vòng 30 phút, dưới bàn tay của các đầu nậu, tôm, cá trở nên trắng nõn, nhìn rất bắt mắt.

Cách nhận biết hải sản ngâm hóa chất

Bản thân các loại thủy sản sau khi chết khoảng vài giờ là bị phân hủy. Trong quá trình phân hủy, đạm của cá, tôm… sẽ tạo ra histamine. Trong trường hợp tẩm ướp thêm cả hóa chất nhằm bảo quản thì trong sản phẩm lúc nào cũng sẵn có cả "gói độc chất", gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Vì vậy, khi đi mua hải sản về để chế biến món ăn, các bà nội trợ phải nắm rõ các quy tắc sau:

Hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng sẽ có mùi ươn rất đặc trưng. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản tươi sống.

Với cá ướp urê, nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên, độ đàn hồi thân cá không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình cá lõm xuống, ngửi kỹ cá có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng.

Với mực, bạch tuộc, tôm... khi được ngâm urê, nhìn bằng mắt thì tươi nhưng sờ tay vào sẽ thấy mềm oặt. Khi ăn sẽ không thấy độ ngọt, thơm tự nhiên mà thường mềm, nhũn, có mùi hôi.

Thông thường, cá tươi sẽ có độ đàn hồi, vảy cá xếp chặt, sáng bóng, không bị bong tróc.

Để chọn mực tươi ngon, nên lựa con dày mình, thịt chắc, không bị nát, lớp màng màu nâu đặc trưng bên ngoài da vẫn bao quanh đều. Đầu mực vẫn còn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ.

Với mực nang, nên chọn con to, thịt có màu trắng đục; mực ống chọn con có lớp thịt màu trắng hồng, ngửi không có mùi tanh. Mực kém tươi là mực đã chuyển sang màu hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lily ([Tên nguồn])
Thực phẩm bẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN